Nan giải bài toán nợ đọng bảo hiểm xã hội

13/12/2016 11:15 AM


Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là trong các trường hợp đau ốm, hưu trí, phụ nữ thai sản... Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, không ít các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trốn tránh hoặc tìm cách đối phó, dẫn đến nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Nợ BHXH đã trở thành vấn nạn đối với người lao động ở các đơn vị, nhất là doanh nghiệp tư nhân và đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến tháng 11/2016, tình hình nợ BHXH, BHYT và BHTN trên 80,5 tỉ đồng, chiếm 6,5 kế hoạch thu. Trong đó, nợ khó thu trên 6,1 tỉ đồng; nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên khoảng 41 tỉ đồng; nợ từ 1 tháng đến 3 tháng trên 25 tỉ đồng; còn lại các đơn vị chậm nộp dưới 1 tháng trên 8 tỉ đồng.

Ông Ngô Hưng, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh, cho biết: “Khi các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền đóng BHXH, BHYT và BHTN thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, các chế độ BHXH, BHYT và BHTN sẽ không được hưởng hoặc không kịp thời, cụ thể như: về chế độ BHTN, người lao động nghỉ việc, đơn vị nợ tiền không được chốt sổ BHXH, quá thời hạn 3 tháng kể từ khi chấm hợp đồng, người lao động không được đăng ký tại Trung tâm việc làm để hưởng BHTN; đồng thời, các chế độ hưu trí, tai nạn lao động, tuất, ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức cũng sẽ không được hưởng kịp thời, chỉ khi nào đơn vị sử dụng lao động đóng đủ tiền BHXH thì cơ quan BHXH mới giải quyết các chế độ được hưởng. Như vậy, người lao động sẽ bị thiệt thòi”.

Theo quy định, người sử dụng lao động liên tục trên 3 tháng thì phải có trách nhiệm nộp bảo hiểm cho người lao động. Tổng bảo hiểm gồm: BHXH, BHYT và BHTN phải đóng bằng 32,5% tổng quỹ lương theo hợp đồng lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng 22% và người lao động đóng 10,5%... Tuy nhiên, thực tế rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp vì nhiều nguyên nhân chưa thực hiện nghiêm túc quy định dẫn đến tình trạng nợ tiền đóng BHXH, BHYT và BHTN. Nguyên nhân chính chủ yếu là do một số đơn vị làm ăn thua lỗ, phá sản. Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động trong việc chấp hành đúng quy định Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm để tham gia đóng đầy đủ, kịp thời cho người lao động BHXH, BHYT và BHTN còn hạn chế. Chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH không đủ mạnh nên chưa phát huy hiệu quả.


Cần mạnh tay hơn trong xử lý

Theo quy định của ngành Bảo hiểm, nếu người sử dụng lao động vi phạm Luật BHXH thì sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nộp đủ, đúng số tiền còn thiếu, cộng với tiền lãi suất ngân hàng của số tiền nộp chậm. Nếu vi phạm với số lượng lớn, trong thời gian dài, có thể bị khởi kiện tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện tương đối phức tạp, trong khi nhiều doanh nghiệp lại thiếu sự hợp tác.

Trước tình hình đó, BHXH tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc thu nợ. Tùy theo số tiền nợ và số tháng nợ để có biện pháp đôn đốc thích hợp, như: thông báo nợ gửi cho đơn vị hàng tháng để đốc thu; trực tiếp đến đơn vị hoặc mời về cơ quan BHXH làm việc có biên bản cam kết trả nợ và giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động; báo cáo các sở chức năng, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo và thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra xử phạt vi phạm hành chính... Ông Hồ Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, nhấn mạnh: “Khởi kiện được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH. Từ đầu tháng 1/2016, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới, trong đó có quy định tổ chức công đoàn là đại diện hợp pháp quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH ra tòa án. Khi một doanh nghiệp bị khởi kiện ra tòa, thì trong mối quan hệ sản xuất, kinh doanh sẽ không thuận lợi, nhiều đối tác không muốn hợp tác làm ăn với đơn vị bị kiện, người lao động không yên tâm lao động, sản xuất, năng suất, chất lượng lao động không cao hoặc xin nghỉ việc chuyển sang các đơn vị khác, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh”.

Hiện nay, BHXH tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh đã có ký kết phối hợp về khởi kiện ra tòa. Trong thời gian tới BHXH các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn chuyển hồ sơ đơn vị nợ tiền BHXH và khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyèn lợi của người lao động.

Cuối tháng 3/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP Quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT và BHTN của cơ quan BHXH. Từ đó, BHXH tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra xử phạt hành chính đối với đơn vị nợ tiền BHXH, đồng thời lập danh sách các đơn vị nợ đề nghị Công đoàn các cấp khởi kiện ra tòa để thu nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động chấp hành đúng quy định Luật BHXH, Luật BHYT, Luật việc làm.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên Hồ Phương


Thiên Lý