Vấn đề đặt ra và giải pháp khi điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT

15/03/2016 08:08 AM




Từ ngày 01/03/2016, Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là cơ sở quan trọng bảo đảm quyền lợi BHYT tích cực hơn cho người dân. Bên cạnh đó cũng đặt ra vấn đề tăng cường các biện pháp quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT.

Cơ sở thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là đòi hỏi tất yếu, khách quan thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản cơ chế tài chính y tế và là động lực quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Đây cũng là một bước tiến mạnh trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, theo sự chỉ đạo tại Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội: “Đến năm 2020, phải hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”; qua đó, cụ thể hóa Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Trước đó, Nghị định 85/2012/NĐ-CP quy định giá dịch vụ y tế tính đủ sẽ bao gồm 07 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; Điện, nước, xử lý chất thải; Duy tu, bảo dưỡng tài sản; Tiền lương, phụ cấp; Sửa chữa lớn tài sản cố định; Khấu hao tài sản; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khung giá tính đủ sẽ thực hiện theo lộ trình. Còn theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công là: Năm 2016, mức giá tính đủ tiền lương; năm 2018, mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; năm 2020, mức giá tính đủ tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Như vậy, có thể thấy, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đã được quán triệt, chỉ đạo từ trước và lộ trình thực hiện cũng đã được xây dựng, có sự tính toán cụ thể. Nghị quyết Kỳ họp tháng 09/2015 của Chính phủ đã thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp số thu tiền lương theo mức đã kết cấu trong giá dịch vụ không đủ chi tiền lương theo chế độ.

Quá trình xây dựng Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC

Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định mức giá thanh toán BHYT cụ thể cho mỗi dịch vụ khám, chữa bệnh. Mức giá cụ thể ban hành lần này được xây dựng trên nguyên tắc lấy mức giá tối đa được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC làm giá tính đủ 03 yếu tố chi phí trực tiếp và cộng thêm yếu tố thứ tư là các khoản chi tiền lương, phụ cấp được kết cấu vào giá, bao gồm: lương theo ngạch bậc tính theo mức lương cơ sở; các loại phụ cấp đặc thù của ngành y tế và các khoản đóng góp theo quy định. Bên cạnh 1.200 dịch vụ đã được quy định mức giá tối đa tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, Thông tư 37 quy định bổ sung mức giá của khoảng 600 dịch vụ - đây chủ yếu là các phẫu thuật, thủ thuật trước đó được các tỉnh ban hành theo mục C4 của Thông tư liên tịch số 04 và một số dịch vụ kỹ thuật thường được thực hiện ở địa phương nhưng chưa được quy định giá cụ thể tại hai Thông tư nêu trên. Về phương pháp tính chi phí tiền lương vào giá, sử dụng phương pháp tính theo định mức hao phí lao động và phương pháp phân bổ chi phí như quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.

Từ tháng 11/2014, Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại một số cơ sở khám, chữa bệnh của 06 tỉnh, 02 thành phố lớn về một số nội dung như nhân lực, thời gian thực hiện của một dịch vụ kỹ thuật, số lượt khám bệnh bình quân/ngày, hệ số lương bình quân của bác sỹ, y tá, tỷ lệ chi cho khu vực gián tiếp... Căn cứ kết quả khảo sát thu được, cùng với quy định của quy trình chuyên môn và đề xuất của các cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tham gia xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Ban Soạn thảo đã tính toán và đề xuất chi phí tiền lương, phụ cấp kết cấu vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Những vấn đề đặt ra khi thực hiện Thông tư 37

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, về bản chất, là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện, nay được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá sẽ từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đối với người không có thẻ BHYT, sẽ tiếp tục áp dụng mức giá theo quy định Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT hiện nay đang thực hiện. Người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đợt này, đặc biệt nhóm đối tượng phải cùng chi trả. Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tác động tích cực là chủ yếu, bởi:

- Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ thống nhất tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh cùng hạng trên cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.

- Việc chi trả từ tiền túi người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, nhất là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu, bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Chúng ta đang hướng tới điều chỉnh giá dịch vụ y tế sao cho chi phí y tế từ tiền túi người dân giảm ở ngưỡng dưới 40% vào năm 2018, đây là cơ hội để thực hiện mục tiêu đó.

- Người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính. Khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế, phần ngân sách Nhà nước trước vẫn cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên… sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.

- Giá dịch vụ y tế được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế; đồng thời, có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cả về chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Đối với khoảng 24% dân số chưa tham gia BHYT, trong giai đoạn đầu sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình, trong năm 2016 sẽ áp dụng giá tính đủ 07 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Do đó, để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi khi thực hiện khám, chữa bệnh, người dân nên tích cực tham gia BHYT.

Quỹ BHYT với việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Kể từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của cơ quan BHXH nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT, các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm tiết kiệm được ngàn nghìn tỷ đồng. Năm 2014, Quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ thông qua các giải pháp tăng cường quản lý. Đến nay, Quỹ BHYT dự phòng đủ để bảo đảm đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, có khả năng cân đối được đến hết năm 2017 (đây là cơ sở bảo đảm đến hết năm 2017, chưa cần đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng phí BHYT). Đến năm 2018, khi đã tính đủ 07 cấu phần vào giá dịch vụ y tế, mới cân nhắc đến việc có điểu chỉnh mức đóng hay không. Cần lưu ý rằng, theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, mức trần thu BHYT được Quốc hội cho phép là 06%, đến nay, mức thu đang ở mức là 4.5%.

Về phía cơ quan BHXH, các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, hướng tới mục tiêu hạn chế tình trạng trục lợi BHYT, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT cũng sẽ được đẩy mạnh tích cực hơn. Theo đó, sẽ thực hiện quy trình giám định mới, quyết liệt triển khai tin học hóa trong quản lý, thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, liên thông, kết nối dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH, tạo cơ sở thực hiện giám định tự động… Như vậy, có thể thấy, việc ban hành Thông tư liên tịch điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cũng như như thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế nói chung là cần thiết, nhằm thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã được xây dựng, vấn đề quan trọng là phải đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ của BHYT - đây là vấn đề trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để người bệnh không phải nặng gánh chi trả thêm và người không may mắc bệnh sẽ không bị rơi vào “bẫy nghèo”./.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn