Hưởng lương hưu từ chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện
25/10/2023 10:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một trong những ưu thế vượt trội của chính sách BHXH tự nguyện là được cộng nối với thời gian tham gia BHXH bắt buộc. Chính sự liên thông này đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người được tiếp tục tham gia BHXH để hưởng các chế độ, nhất là chế độ hưu trí, ổn định cuộc sống tuổi già.
“May mà không rút BHXH 1 lần”
Từ cán bộ không chuyên trách, rồi đến công chức cấp xã với nhiều vị trí khác nhau nhưng khi nghỉ việc, anh Hồ Minh Nhơn, xã An Thọ, huyện Tuy An chỉ có thời gian đóng BHXH 15 năm. Nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự đã chọn rút BHXH 1 lần để chi tiêu dù số tiền không nhiều. Riêng anh Nhơn mãi đắn đo với việc rút BHXH 1 lần bởi suy nghĩ, số tiền đó không nhiều, cả thời gian dài làm cán bộ xã không lẽ thế thôi sao? Nhiều năm làm cán bộ xã, anh nắm bắt được thông tin cơ bản về chính sách BHXH tự nguyện nên quyết định chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 5 năm còn thiếu theo phương thức hàng quý và khi hết tuối lao động, hàng tháng đều đều nhận lương hưu. “Lúc đó cũng kẹt tiền lắm nhưng mình phải tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để tham gia cho đủ 20 năm”- Anh Nhơn chia sẻ.
Trường hợp anh Phạm Văn Thống, Phường 5, TP. Tuy Hòa cũng vậy, năm nay 64 tuổi, đã 4 năm nhận lương hưu rồi. Khi hết tuổi lao động, anh còn thiếu 5 năm. Chẳng màng suy nghĩ việc nhận BHXH 1 lần, anh Thống quyết định đóng một lần cho 5 năm còn thiếu và nhận lương hưu từ thời điểm đó. Với gần 2 triệu đồng mỗi tháng, lương hưu đối với người có thời gian đóng BHXH ngắn thì không cao như người khác nhưng với anh đó là khoản thu nhập cơ bản, là niềm vui của tuổi già. Anh Thống bộc bạch: “May mà mình không chọn rút BHXH 1 lần. Ngày đó, mình suy nghĩ nhận 1 lần về cũng xài hết nên quyết định đóng tự nguyện tiếp cho đủ năm. Giờ nghĩ lại, đó là quyết định đúng. Có tiền hưu chi tiêu, không phụ thuộc vào mấy đứa nhỏ”.
Anh Phạm Văn Thống chia sẻ với phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Phú Yên về mức lương hưu hàng tháng
Trong số những người hưởng lương hưu nhờ cộng nối thời gian tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thười gian qua cần kể đến nhiều công nhân lao động thuộc Cty CP Vina càfe Sơn Thành. Đặc thù công việc nên không ít người ở đây khi hết tuổi lao động vẫn chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Dù vậy, điều đặc biệt là ở Cty này không ai nhận BHXH 1 lần mà dành dụm tiền đóng tiếp BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu. Chẳng hạn như bà Trần Thị Ất, là công nhân Cty đã tham gia BHXH bắt buộc được 12 năm 6 tháng. Sau khi nghỉ việc, bà “tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thêm 7 năm 4 tháng, đủ 20 năm và hưởng lương hưu từ năm 2020 đến nay. Bà tâm sự: “Thấy cái lợi rành rành nên quyết định bán một ít nông sản đóng cho đủ năm. Giờ đây đỡ quá, đến tháng nhận tiền”.
Lương hưu dù ít hay nhiều vẫn vô cùng giá trị
Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Phú Yên có 3.094 người hưởng lương hưu vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện (có 1.682 nữ), trong đó đa phần là người lao động khi nghỉ việc chưa đủ 20 năm, không nhận BHXH 1 lần, để đến tuổi hưu chọn đóng BHXH tự nguyện cho những còn thiếu để được hưởng lương hưu. Có thể khẳng định, Luật BHXH cho phép cộng nối thời gian tham gia BHXH giữa bắt buộc và tự nguyện đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, nhất là được đóng một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ tiền. Như lời anh Phạm Văn Thống chia sẻ: “Luật BHXH cho phép khi hết tuổi lao động nhưng còn thiếu thời gian tham gia BHXH được đóng 1 lần để hưởng lương hưu là quá ưu việt, đúng đắn và phù hợp cho những trường hợp như chúng tôi”. Quá khứ một thời, rất nhiều người có quan hệ lao động; làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp hoặc cán bộ xã từ không chuyên trách (trước 2016) đến chuyên trách…khi đã lớn tuổi nên thời gian tham gia BHXH chưa đủ số năm tối thiểu- 20 năm. Đóng tiếp BHXH tự nguyện là giải pháp vô cùng hợp lý bởi khi hết tuổi lao động, lương hưu là giá trị, là thu nhập, là cuộc sống tuổi già.
Bà Trần Thị Ất đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện cho hai con
Mức đóng khi tham gia BHXH tự nguyện tùy chọn theo khả năng từng người (hiện nay mức thấp nhất là 297.000 đồng) và có hỗ trợ của Nhà nước (10%); phương thức đóng linh hoạt nên cũng dễ dàng cho mọi người tham gia: Có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) hoặc đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc 5 năm một lần. Khả năng đóng BHXH tự nguyện của nhiều người trên địa bàn tỉnh ở mức thấp nên lương hưu cũng không cao, thế nhưng “Lương hưu dù ít hay nhiều vẫn vô cùng giá trị với người già. Tính ra, mới mấy năm số tiền hưu đã cao hơn nhiều so với nhận BHXH 1 lần rồi, chưa kể mình nhận đến suốt đời” – anh Nhơn chia sẻ.
Theo bà Ất, việc Chính phủ điều chỉnh tăng lương hưu thời gian qua rất kịp thời, bản thân bà mới nhận từ năm 2020 đến nay nhưng đã qua hai lần điều chỉnh, tính ra tăng 20,82%, bảo đảm được giá trị đồng tiền. Tới tháng điện thoại reo ting ting…chả bù gì mưa nắng. Ngoài ra, bà được cấp thẻ BHYT miễn phí đến trọn đời nên không phải lo mua. Bà đùa với chúng tôi: “Tính ra hời quá. Sau này có chế độ tử tuất nữa, con cháu cũng bớt lo”. Bởi nhận ra giá trị, lợi ích thực sự, bà Ất đã vận động hai người con tham gia BHXH tự nguyện khi còn trẻ.
Quyết định không nhận BHXH 1 lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động đã được nhiều người lựa chọn. Thực tiễn ấy trả lời cho những người còn đang phân vân, đắn đo lựa chọn: Liệu có nên rút BHXH 1 lần, cái nào thiệt, cái nào hơn?
Quang Phương
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...