Phú Yên 35 năm một chặng đường phát triển
01/07/2024 08:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thành phố biển Tuy Hòa đang vươn mình với nhiều khu du lịch ven biển, đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Ảnh: TRẦN QUỚI
Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập sau khi tách ra từ tỉnh Phú Khánh. Những ngày đầu tái lập, công việc tái thiết một đơn vị hành chính cấp tỉnh với nhiều bề bộn, ngổn ngang. Tuy nhiên, với sự nhất trí, đồng lòng, toàn Đảng bộ và Nhân dân đã vượt qua những khó khăn, quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Phú Yên.
35 năm, một quãng thời gian không dài cho sự nghiệp phát triển một vùng đất, song Phú Yên từng ngày thay da đổi thịt, khoác lên mình một diện mạo mới từ đô thị đến nông thôn. Đời sống nhân dân ngày một cải thiện, nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần.
Những ngày đầu tái lập
Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, ngày 3/11/1975, Phú Yên và Khánh Hòa được hợp nhất, lấy tên là tỉnh Phú Khánh. Ngày 4/3/1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 83 về việc tách Phú Khánh thành Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 30/6/1989, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra nghị quyết tái lập một số tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, tỉnh Phú Khánh được chia thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Phú Yên được tái lập và đi vào hoạt động từ 1/7/1989. Sự kiện này trở thành dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của tỉnh.
Tỉnh Phú Yên được tái lập trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động và trong nước đang khó khăn. Tỉnh phải đối mặt với nhiều thử thách lớn. Xuất phát điểm kinh tế của tỉnh quá thấp, nguồn thu ngân sách nhỏ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống còn thiếu thốn... TX Tuy Hòa - một đô thị trong thời gian dài không được đầu tư, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, đường sá xuống cấp…
Điều thuận lợi cơ bản nhất của Phú Yên sau ngày tái lập tỉnh là vùng lương thực dồi dào, đất nông nghiệp, đất rừng, mặt biển chưa khai thác còn lớn, có nguồn lao động tại chỗ.
Đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhớ lại: Thời điểm ấy vô cùng khó khăn. Nhưng quan trọng hơn hết, tái lập tỉnh là sự kiện hợp lòng dân, tạo động lực cực kỳ to lớn từ các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, giúp cho lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch cùng những giải pháp thiết thực; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng Phú Yên thành tỉnh giàu đẹp.
Để xây dựng TX Tuy Hòa thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, UBND tỉnh đã ra hàng loạt quyết định cấp đất, cơ cấu nhân sự, xây dựng các cơ quan thiết yếu xã hội, như: Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Trung tâm Bưu điện tỉnh, Khoa Cấp cứu trung tâm Bệnh viện tỉnh; lập 2 khu dân cư mới ở phường 2 và phường 5 (nay là phường 7), xây dựng và cải tạo mạng lưới điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch…
Tiến hành sửa chữa Tỉnh đường cũ (cơ quan hành chính của chính quyền Sài Gòn) làm nơi làm việc của UBND tỉnh; sửa chữa trụ sở Thị ủy Tuy Hòa làm cơ quan Tỉnh ủy; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh trưng dụng những nhà (công sản) do Nhà nước quản lý để làm trụ sở; cấp đất, giải quyết nơi ăn ở của hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ LLVT từ Nha Trang chuyển về…
Phát triển mạnh mẽ
Từ một nền kinh tế thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 80% cơ cấu kinh tế những năm mới chia tách, đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH, tăng tỉ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương, nông nghiệp dần chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 9,16%, vượt 1,16% kế hoạch đề ra (xếp thứ 10 so với cả nước và xếp thứ 3/14 tỉnh, thành khu vực miền Trung); GRDP bình quân đầu người ước đạt 65,2 triệu đồng tăng gần 20 lần so với năm 1989; tổng giá trị sản xuất tăng 3,28% so cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 4%, lâm nghiệp tăng 7,3% và thủy sản tăng 3%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã nông thôn mới (chiếm 77,1% tổng số xã, trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao), 16 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 vườn mẫu nông thôn mới, duy trì 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có 231 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
TP Tuy Hòa, trung tâm tỉnh Phú Yên sau 35 năm xây dựng và phát triển đã khoác lên mình một diện mạo mới của một thành phố biển, thành phố trẻ năng động, xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường. Từ thị xã tỉnh lỵ, Tuy Hòa từng bước phát triển trở thành đô thị loại III (2003), tiến lên đô thị loại II (2013) và trong giai đoạn hiện nay, TP Tuy Hòa đang nỗ lực đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Sau 35 năm phát triển, nền kinh tế của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá và chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Phú Yên đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý, là công cụ quan trọng để định hướng phát triển không gian KT-XH, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Về triển khai quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn cho biết: Phú Yên tập trung phát triển kinh tế dựa trên lợi thế tiềm năng với 3 trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng...) được hình thành, phát triển ở phía Nam mà hạt nhân là KKT Nam Phú Yên với lợi thế cảng Bãi Gốc; du lịch dịch vụ chất lượng cao được xây dựng, phát triển ở vùng duyên hải phía bắc và miền núi cao nguyên với các danh thắng nổi tiếng như: Vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, cao nguyên Vân Hòa... và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở khu vực đồng bằng phía Tây của tỉnh.
“KKT Nam Phú Yên sẽ là trái tim, động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến đầu tư thật sự hiệu quả. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tiếp cận nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Dự án cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép tại KCN Hòa Tâm, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh để tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn nói.
Khát vọng bình yên, phú quý
Về thăm và làm việc với tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Yên, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, tên gọi Phú Yên thể hiện khát vọng “yên bình và phú quý” của tiền nhân. Phú Yên được thiên nhiên ban tặng tài nguyên phong phú, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam, có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, có rừng núi, đồng bằng...
Con người Phú Yên thẳng thắn, quyết liệt, vừa bao dung, cần cù, khiêm tốn, cầu thị, giàu truyền thống anh hùng cách mạng, yêu nước, yêu quê hương, năng động, sáng tạo, luôn nỗ lực vươn lên, trưởng thành qua lịch sử chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, Phú Yên vẫn chưa phát triển đột phá như mong muốn. Do đó, tỉnh cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua chính mình, đi lên từ bàn tay, khối óc, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh…
THẾ NHƠN
Theo Trần Qưới - https://baophuyen.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH TỈNH: ĐẢM BẢO SỰ HÀI LÒNG TRONG PHỤC VỤ
BHXH tỉnh Phú Yên: Vận động hỗ trợ gần 1.300 thẻ BHYT cho ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...