90 năm Cách mạng vẻ vang của Đảng: Dấu son quá khứ, sức bật tương lai

05/10/2020 10:32 AM


BÀI 1: Trên quê hương “hạt giống đỏ” Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình cách mạng anh dũng, vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân Phú Yên.

Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên đã trở thành điểm về nguồn, giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Ảnh: HÀ MY

Từ xóm Đồng Bé, ánh sáng của Đảng đã dẫn dắt phong trào cách mạng của quân và dân Đồng Xuân nói riêng và của tỉnh Phú Yên nói chung cùng với quân dân cả nước làm nên những thắng lợi vô cùng to lớn, góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (5/10/1930-5/10/2020) diễn ra trong thời điểm toàn Đảng bộ, quân và dân Phú Yên hướng về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhiều hoạt động hướng về cội nguồn được tổ chức, nhân lên niềm tự hào về lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng.

Không gian Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên tại xóm Đồng Bé những ngày đầu tháng 10 như ấm hơn. Tên tuổi của người cộng sản đầu tiên và chi bộ đảng đầu tiên, khơi lại câu chuyện đầy tự hào của 90 năm trước.

Dấu son lịch sử năm 1930

Xóm Đồng Bé ngày xưa nghèo lắm! Thời cơ cực, bị thực dân đàn áp, khủng bố gắt gao nhưng người dân sớm giác ngộ về lý tưởng cộng sản. Và một trong những người giác ngộ cách mạng sớm nhất, sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Cương lĩnh của Đảng Cộng sản là đồng chí Phan Lưu Thanh.

Là con thứ sáu trong gia đình nho học có truyền thống yêu nước, Phan Lưu Thanh (SN 1906, quê ở xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long, nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đến với chủ nghĩa cộng sản khá sớm. Sau những hoạt động tại Phú Yên, tháng 8/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Thị Nghè - Sài Gòn và được chi bộ đảng cử về Phú Yên hoạt động. Tại quê nhà La Hai, người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên này tập hợp nhiều thanh niên tiến bộ tuyên truyền lý tưởng cộng sản, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Đã 90 năm trôi qua, nhưng câu chuyện lịch sử được lặp đi, nhắc lại mỗi năm kỷ niệm: “Trưa 5/10/1930, ngay tại ngôi nhà ba gian, trước khi vào giỗ, đồng chí Phan Lưu Thanh lấy lá cờ Đảng ra treo trên vách và tuyên bố thành lập chi bộ. Xong, đồng chí mới mời các cụ kỳ cựu và bà con trong thôn đến ăn giỗ. Trong hoàn cảnh Đảng ta hoạt động bí mật, việc thành lập chi bộ được tổ chức dưới hình thức như vậy nhằm che mắt bọn thực dân. Chi bộ lúc ấy có 9 đảng viên, do đồng chí Phan Lưu Thanh làm bí thư”.

Sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên được thành lập, ảnh hưởng của Đảng lan truyền mạnh, nhiều chi bộ mới được thành lập ở huyện Đồng Xuân và Tuy An. Đến tháng 1/1931, toàn tỉnh phát triển được 17 chi bộ với 78 đảng viên, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên được thành lập, do đồng chí Phan Lưu Thanh làm bí thư.

Ông Phan Lưu Minh, cháu nội đồng chí Phan Lưu Thanh, trông coi và lo việc thờ tự tại khu di tích, xúc động cho biết: “Ông nội tôi mất ngày 3/9/1983, yên nghỉ tại thôn Long Bình này. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, khu nhà của nội liên tục bị địch ném bom tàn phá. Sau ngày giải phóng, ông cho sửa chữa lại. Trước khi qua đời, ông căn dặn con cháu cố gắng gìn giữ, vì đây là ngôi nhà chung để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ sau này”. Ngôi nhà được trùng tu nâng cấp và chính thức được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia tháng 6/1997.

La Hai trong niềm tin

“Xưa. La Hai quê tôi không có phố, xóm thôn chỉ có mái tranh. Xưa. La Hai là vùng tự do trong cuộc kháng chiến chín năm lịch sử, là nơi để người lính áo vải sau những chặng đường hành quân hiểm nguy trở về bên các má, các chị, các em… Gái La Hai xưa cũng hai sương một nắng, để mùa về gánh lúa vàng kĩu kịt. Và khi giặc tới, em cũng biết cầm súng giữ làng…”. Với ông Vũ Hoài, một người con xa quê, ký ức về La Hai say lòng đến vậy. Lớp hậu sinh lớn lên sau chiến tranh, chỉ được nghe kể lại thời hào hùng của thế hệ cha anh, cũng rất đỗi tự hào.

Đường về La Hai trang trí sắc cờ đỏ thắm chào mừng 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên. Ảnh: HÀ MY

Những ngày đầu tháng 10/2020, tìm về địa chỉ đỏ, chúng tôi cảm nhận nhiều đổi thay rõ nét. Qua khỏi cầu La Hai, cờ hoa trang trí mừng đại hội đảng đỏ thắm hai bên đường nội thị. Thị trấn nhỏ bên sông Kỳ Lộ đã khoác lên mình chiếc áo mới với phố xá khang trang; điện, đường, trường, trạm… được quy hoạch bài bản.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn La Hai Võ Như Ngọc phấn khởi cho biết: “Những năm qua, thị trấn La Hai thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng. Nối tiếp truyền thống cách mạng, Đảng bộ thị trấn La Hai luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương được phát huy”.

Thấu hiểu mong mỏi của người dân, ông Võ Như Ngọc chia sẻ, thời gian tới, Đảng bộ thị trấn La Hai sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân.

Những ngày này, ông Nguyễn Khắc Sơn (em vợ đồng chí Phan Lưu Thanh - PV) và người bạn tâm giao cùng quê ở La Hai đang sống tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) là Dương Quang Sen, luôn dõi theo những sự kiện của quê hương. Sau những năm tham gia kháng chiến gian khổ trên khắp các mặt trận, vào sinh ra tử, hai chiến sĩ cách mạng 65 tuổi Đảng này quý biết bao bởi lịch sử vẻ vang của địa phương được các thế hệ hậu sinh trân quý. Các ông ấm lòng khi lớp con cháu của gia đình mình tiếp tục tham gia cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng.

Xóm Đồng Bé nơi in đậm mốc son lịch sử cũng đã thay da đổi thịt. Con đường đất hẹp dẫn vào khu di tích đã nhường chỗ cho đường bê tông thông thoáng. Nơi đây trở thành điểm đến của nhiều người; lớp lớp học trò quê nhà về dâng hương và học những bài lịch sử vẻ vang.

Trường THCS Phan Lưu Thanh bề thế, khang trang ươm mầm những tài năng kế tục truyền thống. Thầy Đỗ Thành Vinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2015, nhiều năm liền dẫn đầu các phong trào thi đua. Em Lưu Quỳnh Ngọc Hân, học sinh lớp 9A của trường vinh dự nhận giải thưởng Kim Đồng toàn quốc năm học 2019-2020.

Ngọc Hân chia sẻ: “Chúng em rất tự hào khi được học trong ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng Phan Lưu Thanh. Ngoài các giờ học chính, em còn được học lịch sử địa phương, càng mong muốn mình học giỏi hơn nữa để xứng đáng với thế hệ cha ông”.

Bí thư Chi bộ kiêm Khu phố trưởng trên quê hương “hạt giống đỏ” Hồ Hồng Vi được sinh ra, lớn lên và cống hiến ở chính nơi đặc biệt này. Nữ bí thư tuổi 30 tâm sự: “Tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, học cách làm của những người đi trước để thực hiện tốt trọng trách. Bản thân rất vui khi có cơ hội tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.

Với 38 đảng viên, Chi bộ khu phố Long Bình luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào, hoạt động trong khu phố. Khu phố có làng nghề bánh tráng truyền thống Long Bình với hai phần ba số hộ dân tham gia; có nhiều gia đình trồng từ 30-40ha rừng. Nhờ chịu khó làm ăn, đời sống người dân trở nên khấm khá.

* * *

Hy vọng, một ngày không xa, khi La Hai được đầu tư đúng mức, khi mà Đảng bộ cùng nhân dân phát huy cao nhất sức bật tự thân, quyết tâm xây dựng, phố núi La Hai sẽ là một điểm nhấn đầy ấn tượng trên trục dọc miền Tây của tỉnh Phú Yên.

Theo http://www.baophuyen.com.vn/