Phú Yên phấn đấu đạt vị thứ 30 về chính quyền điện tử vào năm 2025

02/10/2020 03:21 PM


UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Phú Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo hướng xây dựng mô hình tăng trưởng mới, phát triển nhanh và bền vững.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu Chương trình phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công tỉnh Phú Yên được xác thực điện tử; 40% số người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh được xác thực định danh điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, đạt 60% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu chung không phải cung cấp lại. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ mật). Tỉnh phấn đấu thứ hạng 30/63 địa phương về chính quyền điện tử (hoặc thứ hạng chính quyền số khi được công bố)…

Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm cả thiết bị di động, 100% hồ sơ công việc ở cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc ở cấp huyện và 70% hồ sơ công việc ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ bí mật). Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội (trừ dữ liệu bí mật), giảm 30% thủ tục hành chính. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 80% đạt trên 80% so với tổng số.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chương trình chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức. Các cơ quan, đơn vị chủ động các hoạt động truyền thông, chuyển đổi nhận thức các cá nhân về tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, đơn vị; xây dựng giá trị cốt lõi, văn hóa, phương thức làm việc mới nâng cao tính sáng tạo; người đứng đầu chịu trách nhiệm quán triệt nhận thức, xây dựng kế hoạch, đôn đốc thực hiện, nêu gương, truyền cảm hứng trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số là việc làm cấp thiết. Cần ưu tiên triển khai nhanh các nền tảng có thể phục vụ sử dụng chung cho nhiều cơ quan phát huy hiệu quả, thực hiện kết nối với các nền tảng số. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư nền tảng số cung cấp dịch vụ dùng chung.

Theo https://phuyen.gov.vn