Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

23/05/2023 09:19 AM


Thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp đảm bảo đời sống NLĐ, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở KCB, nhất là thuốc, vật tư trong danh mục BHYT chi trả…

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm 1 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 25,7- 25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%). Đáng lưu ý là cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh đó, thu NSNN vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát, chưa tính toán tận dụng thời cơ để điều chỉnh giá một số dịch vụ công nhằm giảm áp lực lạm phát trong năm 2023.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, năm 2023, diễn biến tình hình kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ khó khăn, thách thức từ Quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, tăng trưởng GDP Quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn (để đạt mục tiêu 6,5%: 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP tăng khoảng 7,5%). Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhiều DN đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng DN, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến. Thu NSNN 4 tháng ước giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, nhiều địa phương lập dự toán thấp nhưng lại giao cao hơn so với dự toán Trung ương giao (43/63 địa phương). “Nhiều DN đang gặp rất nhiều khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Việc tăng giá điện gần đây cũng gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp trong khi cơ cấu giá mua- bán điện bất hợp lý là vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để gây dư luận không tốt trong nhân dân. Tình trạng cơ sở KCB không có thuốc, vật tư y tế trong danh mục được BHYT chi trả để cung cấp cho người có thẻ BHYT vẫn chưa được giải quyết. Ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trang thiết bị, phương tiện dạy học… Tình trạng NLĐ bị giảm việc, mất việc trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động có xu hướng tăng, tại thời điểm 1/4/2023 chỉ số SDLĐ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm trước (ngành dệt giảm 3,5%, ngành may giảm 5,2%, ngành da, ngành gỗ giảm 6,1%...). Số liệu về lao động, việc làm, thu nhập của NLĐ trong báo cáo của Chính phủ mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và tình hình NLĐ trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Chính vì vậy, Chính phủ sớm có quyết sách phù hợp về việc công bố tình trạng dịch Covid-19 ở trong nước; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ, chủ động có phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Có phương án để ứng phó tình hình thiên tai, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho NLĐ, có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho NLĐ thất nghiệp, mất việc làm để bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…

Nguyệt Hà

 

Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/