Đáng chú ý, trước đó, tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến giá dịch vụ khám bệnh. 

Các đại biểu cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Với đa số đại biểu tán thành (77,86% tổng số đại biểu), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về vấn đề này, giải trình, làm rõ thêm tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều 110 của luật; giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị trong trường hợp Bộ Y tế chưa định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quyền định giá.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: "Theo Báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, cơ bản các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được áp giá và xếp tương đương, còn một số loại dịch vụ chưa có giá trực tiếp hoặc chưa được xếp tương đương là những kỹ thuật không cần quy định giá riêng vì đã cấu thành trong định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật hoặc đã có chung với định mức kỹ thuật của các dịch vụ kỹ thuật tương ứng này ở đối tượng khác; một số loại chưa được xếp tương ứng là do đã cấu thành trong định mức kinh tế của dịch vụ giường bệnh nội trú, trùng lặp với các mục thanh toán khác, có kỹ thuật chỉ là 1 bước của 1 quy trình hoàn chỉnh…".

Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dự kiến năm 2023, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo luật. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện, ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh kèm theo giá và bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà chưa đưa vào danh mục giá để tạo điều kiện hoạt động thông suốt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 110. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

1. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố sau đây:

a) Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có);

c) Các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí sau đây:

a) Chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định;

b) Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác;

c) Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định;

d) Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.