Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng

21/10/2022 07:53 AM


Do tác động của dịch bệnh nên lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 đến nay. Vì vậy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhất trí với mức tăng lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 20/10, Quốc hội tiếp tục nghe Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025; trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi)...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo của Chính phủ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu NSNN bằng 94% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm, thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động NSNN đạt 17,2% GDP; từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.

Về chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi NSNN bằng 114,1% dự toán, trong đó giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán. Đến hết tháng 9/2022, đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương chủ yếu là để bổ trợ cho các địa phương chi phòng chống dịch, hỗ trợ người dân. Số dự phòng còn lại tiếp tục ưu tiên cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong các tháng cuối năm.

Về Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đảm bảo bám sát mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm, đảm bảo thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng như: Kinh phí đảm bảo cho quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội; cải cách tiền lương cho CBCC, thực hiện các Chương trình MTQG, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng số thu cân đối NSNN vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán. Đồng thời, Ủy ban cũng lưu ý một số vấn đề như: Công tác dự báo trong xây dựng dự toán; đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, cơ cấu tăng thu NSNN vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương.

“Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về ước thực hiện các khoản thu NSNN năm 2022, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sát với tình hình thực tế; báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong việc nhiều năm liền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN không đạt dự toán; đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng...”- Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường thông tin.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo của Chính phủ

Về chi NSNN năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chi NSNN năm 2022 đã bảo đảm các nhiệm vụ chỉ quản lý nhà nước, quốc phòng-an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.

Về dự toán NSNN năm 2023, Ủy ban Tài chính-Ngân sách lưu ý, bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên vẫn đối mặt nhiều thách thức như: Áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước... Đây là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi NSNN.

Cho ý kiến về tăng lương cơ sở, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với mức tăng lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. “Do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận NLĐ trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp”- Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường khẳng định.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn