Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện

07/10/2016 02:05 PM


Ngày 4/10/2016, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã ký ban hành Quyết định số 1414/QĐ-BHXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo đó, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) là cơ quan trực thuộc BHXH Việt Nam đặt tại tỉnh.



BHXH tỉnh có chức năng giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên địa bàn tỉnh.

BHXH tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng; chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc và chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh.

BHXH tỉnh có tối đa 3 Phó Giám đốc

BHXH tỉnh có 18 chức năng nhiệm vụ chính, trong đó có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được giao theo Luật BHXH (sửa đổi) như: Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo BHXH Việt Nam, UBND tỉnh, Thanh tra cấp tỉnh. Thanh tra đột xuất khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc khi được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định…

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn...

BHXH tỉnh do Giám đốc quản lý, điều hành theo chế độ thủ trưởng; giúp Giám đốc có các Phó Giám đốc. Giám đốc và các Phó Giám đốc BHXH tỉnh do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, khen thưởng và kỷ luật. Số lượng Phó Giám đốc BHXH tỉnh không quá 3 người; riêng BHXH TP.Hà Nội và BHXH TP.Hồ Chí Minh không quá 4 người.

Về cơ cấu tổ chức, BHXH tỉnh có Văn phòng và 11 phòng gồm: Phòng Chế độ BHXH; Phòng Giám định BHYT; Phòng Quản lý thu; Phòng Khai thác và thu nợ; Phòng Cấp sổ, thẻ; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch- Tài chính; Phòng Thanh tra- Kiểm tra; Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính.

BHXH TP.Hà Nội và BHXH TP.Hồ Chí Minh được thành lập thêm Phòng Quản lý hồ sơ và Phòng Tuyên truyền; đồng thời, tách Phòng Giám định BHYT thành Phòng Giám định BHYT 1 và Phòng Giám định BHYT 2.

Thành lập các Tổ nghiệp vụ tại BHXH huyện

Theo Quyết định 1414/QĐ-BHXH, BHXH huyện là cơ quan trực thuộc BHXH tỉnh đặt tại huyện, có chức năng giúp Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; quản lý thu, chi BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên địa bàn theo quy định. BHXH huyện chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc BHXH tỉnh và chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn của UBND huyện.

BHXH huyện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp của BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh.

BHXH huyện được thành lập không quá 5 Tổ nghiệp vụ. Tổ Nghiệp vụ thuộc BHXH huyện do Giám đốc BHXH tỉnh quyết định thành lập sau khi được Tổng Giám đốc phê duyệt. Tổ Nghiệp vụ có chức năng giúp Giám đốc BHXH huyện thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Tổng Giám đốc.

Quyết định 1414/QĐ-BHXH có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 99/QĐ-BHXH ngày 28/01/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương.

Theo baobaohiemxahoi.vn