Những mô hình hiệu quả trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
22/05/2023 10:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Đồng hành cùng bảo hiểm xã hội vì cuộc sống chất lượng hơn” được chọn là thông điệp chính của Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân năm 2023.
Ảnh minh họa: Hà Nội ra quân vận động phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội”, trong đó lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân”, nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Mô hình sáng tạo, hiệu quả
Với ý nghĩa thiết thực giúp mọi người dân đều có cơ hội được hưởng chính sách hưu trí để bảo đảm an sinh khi về già, hiện nay, nhiều địa phương, trong đó đã có các cách làm hay, mô hình sáng tạo nhằm giúp người dân, nhất là người nông dân, người lao động tự do có ý thức chủ động tiết kiệm tài chính, “tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già” nhờ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại tỉnh Bến Tre, mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã và đang trở thành điểm sáng về giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội.
Được Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre triển khai từ tháng 9/2022 đến nay, mô hình đã được nhân rộng ở tất cả các huyện, thành phố.
Theo đó, tại mỗi xã, phường thành lập ít nhất một tổ hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi heo đất, với số lượng 10 người/tổ.
Mỗi hội viên phụ nữ sẽ tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt ít nhất 10 nghìn đồng mỗi ngày để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức thấp nhất hằng tháng là 297 nghìn đồng; hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và mức đăng ký.
Đến kỳ sinh hoạt của chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tương ứng với mức lựa chọn đăng ký.
Nếu mức đóng cao thì quyền lợi thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội của người dân sau này cũng tăng cao.
Bằng cách thức đơn giản, tiện lợi, hiệu quả, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp các hội viên có ý thức tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà còn yên tâm, tự tin cho tương lai về một tuổi già an nhàn nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe, không phải trông cậy vào con cháu.
Chị Nguyễn Thị Ro, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) chia sẻ: “Làm khi lành, để dành khi đau cho nên giờ mình đang khỏe mạnh thì cố gắng tiết kiệm. Mỗi ngày dành ra chục nghìn nuôi heo đất để đóng bảo hiểm xã hội, cũng không phải khó khăn gì. Bù lại, sau này già yếu, có lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế của Nhà nước lo cho khám, chữa bệnh để không phải phiền hà con cháu”.
Bằng sự lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại Bến Tre đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt và thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn.
Đến nay, dù ra mắt chưa tròn một năm, song mô hình đã được nhân rộng tại 403 tổ phụ nữ với gần 4.300 người, trong đó có 1.679 thành viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt xa mục tiêu ban đầu lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề ra.
Lan tỏa, truyền cảm hứng cho chính sách an sinh
Tại tỉnh Hà Tĩnh, các mô hình phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện như Chương trình Tiết kiệm an sinh, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh… đang tạo sự phấn khởi và động lực tham gia bảo hiểm xã hội cho nhiều người dân trên địa bàn.
Trong đó, Chương trình Tiết kiệm an sinh của xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) ban đầu chỉ từ 28 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến nay đã là 230 người tham gia.
Là một trong những người truyền lửa, đưa chính sách bảo hiểm xã hội tới gần hơn với các hội viên phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Xuân Nguyễn Thị Thủy thấy rõ được những chuyển biến tích cực mà chương trình này đem lại.
Câu lạc bộ Vườn rau an sinh do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) khởi xướng thành lập từ tháng 10/2020 cũng với mục tiêu mang cơ hội để người nông dân có lương hưu lúc tuổi già.
Chị Bùi Thị Hoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tượng Sơn cho biết, trước đây, nhiều hộ gia đình làm nông nghiệp trong xã có thu nhập ổn định nhưng do chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nên không phải ai cũng sẵn lòng tham gia.
Xuất phát từ thực tế này, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh ra đời, không chỉ tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà còn hướng dẫn các thành viên thực hành tiết kiệm, cách quản lý kinh tế gia đình hiệu quả, từ đó, trích một phần kinh phí thu nhập từ vườn rau để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, câu lạc bộ đã có 100 thành viên là người làm vườn đang dành một phần thu nhập từ việc bán rau để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bến Tre và Hà Tĩnh chỉ là hai trong số nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai và vận hành hiệu quả các mô hình, cách làm sáng tạo nhằm mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới người dân.
Nhiều mô hình khác đã giúp cho không ít người lao động đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để tích lũy cho tương lai và chăm sóc sức khỏe khi không còn đủ sức lao động.
TẦM TRUNG
Theo https://nhandan.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình