Tham gia BHXH, chết có phải là hết?
16/05/2023 07:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, có nhiều NLĐ trẻ đi rút BHXH một lần, bởi họ cho rằng “càng để lâu càng thiệt, cứ cầm tiền chắc trong tay kẻo biết đâu chết lại mất hết”. Tuy nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ bồng bột?
Tháng 2/2023, chị Nguyễn Thị Kim Oanh đến bộ phận “Một cửa” của BHXH huyện Phù Ninh (Phú Thọ) nộp hồ sơ chế độ tử tuất một lần của chồng là anh Nguyễn Tiến Đức. Tâm sự với chúng tôi, chị Oanh cho biết, sau khi chồng mất, gia đình chị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhà mới xây xong nên vẫn còn nợ một số tiền lớn. Vì vậy, chị muốn nhận trợ cấp tuất một lần để trang trải nợ nần. “Có nhiều người cho rằng cứ rút một cục về cầm chắc trong tay cho yên tâm chứ người chết rồi chả biết thế nào”- chị Oanh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh quyết định rút lại hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp tử tuất một lần
Tìm hiểu trên hệ thống dữ liệu của Ngành cho thấy, anh Nguyễn Tiến Đức có trên 14 năm công tác tại Trạm Y tế xã Phú Mỹ. Vợ chồng anh chị có 2 cháu nhỏ sinh năm 2012 và 2018, giờ anh mất đi khiến chị Oanh phải gánh bao nỗi lo nuôi dạy con cái nếu không có chỗ dựa ổn định về kinh tế. Căn cứ dữ liệu và quy định của Luật BHXH, nếu gia đình anh Đức nhận trợ cấp tuất một lần được khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu gia đình tự đóng thêm 5 tháng cho đủ 15 năm, thì 2 đứa con của anh sẽ được hưởng tuất hằng tháng đến khi đủ 18 tuổi- khi đó tổng số tiền trợ cấp tuất hằng tháng mà 2 con của anh được hưởng sẽ lớn hơn nhiều so với lĩnh trợ cấp một lần…
Sau khi nghe cán bộ BHXH tính toán, phân tích, chị Oanh đã quyết định rút lại hồ sơ và đóng thêm 5 tháng với tổng số tiền 5,2 triệu đồng để đủ điều kiện cho các con được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Qua trường hợp chị Oanh, có thể thấy rõ tính nhân văn của chính sách BHXH. Giờ đây, BHXH đã thực sự là chỗ dựa vững chắc cho mẹ con chị. Cụ thể, khi mỗi tháng chị lĩnh 2 suất tuất với số tiền 1.490.000 đồng và sẽ được tăng lên theo các kỳ tăng lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định của Nhà nước.
Trường hợp bà Ngô Thị Vụ (Tiên Phú, Phù Ninh, Phú Thọ) cũng khá đặc biệt. Chồng bà Vụ là ông Nguyễn Thanh Sơn nghỉ hưu từ tháng 3/2018, đến tháng 11/2022 không may qua đời. Trong gia đình chỉ có duy nhất bà Vụ đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hằng tháng. “Tôi nghĩ ông nhà tôi hưởng lương hưu đã gần 5 năm rồi, mỗi tháng cũng được hơn 10 triệu, giờ nếu chọn chế độ tuất một lần cũng chẳng còn được bao nhiêu nên tôi quyết định nhận tuất hằng tháng. Tôi khá bất ngờ khi cơ quan BHXH thông báo số tiền trợ cấp tuất một lần của chồng tôi hơn 250 triệu đồng. Tôi quyết định nhận trợ cấp một lần và sẽ bàn bạc với các con về việc tham gia BHXH tự nguyện bằng một phần số tiền tử tuất chồng tôi để lại”- bà Vụ chia sẻ.
Có thể thấy, dù đã mất, nhưng những đóng góp của NLĐ vào quỹ BHXH vẫn rất có giá trị, trong đó có việc chi trả trợ cấp cho người còn sống. Như vậy, tham gia BHXH không bao giờ thiệt, mà còn được lợi rất nhiều, nhất là có sự sẻ chia và hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi tối ưu cho NLĐ, tùy từng hoàn cảnh, cơ quan BHXH sẽ phân tích để người dân hiểu và có sự lựa chọn đúng đắn nhất. Chính vì vậy, việc NLĐ rút BHXH một lần chính là tự đưa mình ra khỏi lưới an sinh xã hội, đánh mất chỗ dựa vững chắc khi bước vào tuổi già, ốm đau bệnh tật; thậm chí còn khiến người thân cũng bị ảnh hưởng theo.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình