BHXH Việt Nam: Không có “điểm lùi” thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023
03/10/2023 02:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 2/10, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành tháng 10/2023. Hội nghị nhằm đánh giá nhiệm vụ 9 tháng năm 2023, đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh. Hội nghị được kết nối với 680 điểm cầu tại BHXH 63 tỉnh, thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Linh hoạt và sáng tạo từ địa phương
Số liệu cập nhật vào lúc 15 giờ ngày 30/9/2023 trên hệ thống Data Warehouse của BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước đang có 17,308 triệu người tham gia BHXH, đạt 92,3% kế hoạch năm và đạt tỷ lệ bao phủ 37,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH bắt buộc có 15,88 triệu người tham gia, đạt 93,8% kế hoạch; BHXH tự nguyện có 1,428 triệu người tham gia, đạt 78,3% kế hoạch; BH thất nghiệp có 14,173 triệu người tham gia, đạt 93,1% kế hoạch. Riêng BHYT có 91,467 triệu người tham gia, đạt 98,2% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 92,4% dân số.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ rõ: Đến thời điểm hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường của năm 2023. Theo kế hoạch, toàn Ngành sẽ phải khẩn trương triển khai các giải pháp mở rộng người tham gia BHXH, BHYT với tinh thần quyết liệt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Kinh nghiệm cho thấy, cứ nơi nào quyết liệt, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, thì nơi đó đạt được kết quả tích cực"- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Theo Tổng Giám đốc, điều này được minh chứng qua chia sẻ thực tế triển khai nhiệm vụ tại một số BHXH địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Gia Lai... Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn quốc tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, song mỗi địa phương đều đã linh hoạt phát huy cao nhất lợi thế trên địa bàn để mở rộng tỷ lệ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Cụ thể, tại TP.HCM- một trong những địa phương có số lao động giảm sâu (trong 9 tháng 2023 giảm khoảng 288.000 lao động), cơ quan BHXH đã tích cực thực hiện một loạt giải pháp như: Rà soát từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; thực hiện thanh tra, kiểm tra để khai thác số lao động đang làm việc trong các DN tham gia BHXH theo đúng luật định. Theo đánh giá của BHXH TP.HCM, mặc dù số người tham gia tăng lên chưa đuổi kịp số giảm so từ thời điểm cuối năm 2022, nhưng công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện BHXH TP.Hà Nội cũng cho biết, sau đợt suy giảm đầu năm 2023, từ tháng 7, các chỉ tiêu người tham gia BHXH, BHYT của Hà Nội tăng nhanh trở lại. Kiên định thực hiện các chỉ tiêu được giao từ đầu năm, BHXH TP.Hà Nội đã đề xuất Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thành phố có chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của mình; tổ chức các Hội nghị Ban Chỉ đạo để phân tích các hạn chế, tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ...
Trong khi đó, tại Bình Dương, với số lao động giảm mạnh (120.000 người), nhất là với ngành gỗ, may mặc, giày da..., nên bắt đầu từ quý II/2023, số người gia nhập hệ thống BHXH tại địa phương này cũng tăng lên. Kết quả này có được là nhờ một loạt giải pháp được BHXH tỉnh Bình Dương xây dựng trong kịch bản khai thác dữ liệu liên thông với ngành Thuế, KH-ĐT, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra...
Chia sẻ với những khó khăn của BHXH các địa phương, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đánh giá: Dù kinh tế đang khởi sắc, một số ngành như dệt may có nhiều đơn hàng thu hút lao động trở lại làm việc, nhưng nguồn lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn khó khăn so với chỉ tiêu đặt ra. Do đó, để đạt được chỉ tiêu cao hơn, BHXH các địa phương cần có giải pháp hiệu quả và tích cực hơn nữa. Theo đó, trước hết, cơ quan BHXH tại địa phương phải bám sát, phát huy hiệu quả hệ thống các Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã thành lập.
"Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, việc phát triển người tham gia còn gặp khó khăn do công tác phối hợp chưa đồng bộ. Do đó, yêu cầu BHXH các địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa các hướng dẫn của BHXH Việt Nam tới các cơ quan, tổ chức tại địa phương, từ UBND các cấp, đến sở ngành, tổ chức dịch vụ thu..."- ông Hào lưu ý.
Với nhóm BHXH bắt buộc, theo ông Hào, cần sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu từ cơ quan Thuế, đặc biệt khi BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã thống nhất 2 nội dung phối hợp nâng cao gồm: Chia sẻ dữ liệu theo tháng; chia sẻ kết quả thanh tra, kiểm tra của hai bên. Ông Hào cũng chỉ rõ, hiện đang là "giao thời" trẻ em mầm non vào lớp 1 và HSSV nhập trường, nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm nhóm đối tượng này để vận động tiếp tục tham gia BHYT HSSV.
Kiên định các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023
Theo số liệu tổng hợp của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH, BHYT gia tăng trong tháng 9/2023 và so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch năm 2023, trong 3 tháng cuối năm, toàn quốc cần phát triển thêm trên 1,446 triệu người tham gia BHXH (1,05 người tham gia BHXH bắt buộc, 396,6 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện); 1,695 người tham gia BHYT...
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH TP.HCM
Với trọng tâm đảm bảo độ bao phủ chính sách theo mục tiêu đề ra, tại Hội nghị, các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bày tỏ tin tưởng công tác thu năm nay sẽ thành công, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ tiếp tục phối hợp với BHXH địa phương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ. Đồng thời, yêu cầu BHXH các địa phương phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu BHYT, BHXH tự nguyện; bám sát tình hình hoạt động của DN không để ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Trước đề xuất của BHXH nhiều địa phương về tăng cường hướng dẫn công tác tuyên truyền Luật BHXH, đặc biệt là khi tình trạng NLĐ rút BHXH một lần tăng cao, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh: "Thông điệp cần chuyển tải đến người dân là Đảng và Nhà nước luôn đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách". Do đó, yêu cầu BHXH các địa phương cũng phải chủ động trong việc cung cấp thông tin tới các cơ quan liên quan, cũng như tới Đoàn đại biểu Quốc hội...
Cũng nhấn mạnh sự tích cực và chủ động của BHXH các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh yêu cầu các đơn vị khai thác hiệu quả hệ thống CNTT để phục vụ chia sẻ dữ liệu, cụ thể như hệ thống Eoffice. Các nội dung hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của BHXH các địa phương cũng cần cập nhật đến tất cả các đơn vị trong toàn Ngành và đến tận cấp huyện để thống nhất thực hiện.
Chỉ đạo về thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cảnh báo "theo quy định, quỹ KCB BHYT từ số thực đóng năm 2023 là 118.200 tỷ đồng, tuy nhiên căn cứ đề xuất của các tỉnh, số chi năm nay có thể vượt trên 11.750 tỷ đồng". Điều này cho thấy, nhiều địa phương đã sử dụng quá 75% dự toán năm, có nguy cơ bội chi trong cả năm 2023. Do đó, đề nghị BHXH các địa phương phải chủ động rà soát giải pháp kiểm soát chi theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; tổ chức làm việc với từng cơ sở y tế để có cam kết điều chỉnh phù hợp...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường chia sẻ thêm: Trên cơ sở các báo cáo, giám sát tại một số tỉnh, một trong những nhiệm vụ mà BHXH Việt Nam cần quan tâm là kiểm soát chặt chẽ quỹ KCB BHYT 2023. Do đó, cần xác định dự toán đến cơ sở y tế hợp lý cũng như hạn chế chuyển tuyến trường hợp không cần thiết.
Cũng theo ông Cường, trong khi việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn là ly do chuyển tuyến tại nhiều cơ sở y tế, cần yêu cầu UBND các địa phương mở rộng danh mục đấu thầu tập trung để khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, BHXH các địa phương cũng cần tham mưu, thường xuyên đánh giá, tổng kết công tác của các BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đề nghị HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách cho các trường hợp cận nghèo, HSSV... để đảm bảo số người tham gia BHXH, BHYT đạt kế hoạch năm...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành; đồng thời khẳng định "nhiệm vụ năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn". Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc chỉ đạo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm, đó là toàn Ngành phải bám sát hệ thống văn bản pháp luật và các chỉ đạo liên quan, nhận diện và đưa ra kịch bản điều hành phù hợp với thực tế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, liên thông dữ liệu để phát triển người tham gia BHXH; cũng như giải quyết hiệu quả các chế độ BHXH, BHYT...
“Mục tiêu của Ngành năm nay sẽ phải đạt trên 93,2% dân số tham gia BHYT. Công tác giám định chi phí KCB BHYT phải tận dụng hết “tài nguyên”, từ kết quả giám định, cảnh báo, kiểm tra, giám sát cho đến cách làm hay, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả quỹ. Công tác truyền thông cần phát huy kết quả tích cực đạt được như hình thành “thói quen” tham gia BHYT của người dân hiện nay, triển khai truyền thông phải linh hoạt và gắn với kết quả cụ thể”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý thêm.
Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...