Nan giải bài toán nợ bảo hiểm xã hội
02/05/2019 07:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHXH, BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động hiện đang diễn ra phức tạp với số lượng ngày càng gia tăng, đặt ra thách thức lớn cho ngành BHXH ngay từ những tháng đầu năm 2019.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi trên toàn tỉnh gần 40 tỉ đồng, trong đó, nợ BHXH hơn 37,1 tỉ đồng, nợ BHYT 1,445 tỉ đồng và nợ BHTN 754 triệu đồng. Riêng số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng nhưng chưa chuyển cho cơ quan BHXH là hơn 15,6 tỉ đồng. Đặc biệt, nhiều đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên, có đơn vị nợ đến trên 90 tháng.
Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT và BHTN đã và đang gây cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhiều khó khăn bởi quỹ BHXH của tỉnh thường xuyên phải giải quyết tiền lương cho lao động sản xuất, chi trả các chế độ chính sách hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất… Đã vậy, ngoài số doanh nghiệp nợ BHXH, thì số doanh nghiệp chưa tham gia đóng BHXH cũng không ngừng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ của BHXH tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có hơn 1.300 doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, BHTN (kể cả những doanh nghiệp thường xuyên nợ BHXH). Như vậy, có 2.000 doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động.
Nói về nguyên nhân các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, do pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng này. Thực tế, có nhiều đơn vị làm ăn khó khăn, thua lỗ, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng lại không chịu đóng bảo hiểm cho người lao động. Dù thanh tra liên ngành vào cuộc hay cơ quan BHXH báo cáo, tham mưu UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu lãnh đạo các địa phương đôn đốc các đơn vị tham gia BHXH, BHYT cho người lao động nhưng cũng không có nhiều biến chuyển vì chế tài chưa đủ sức răn đe.
Là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng ông Đào Văn Rê, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Đông Hòa cho biết, gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi mà doanh nghiệp chây ì đóng BXH, BHYT, BHTN. Tương tự, tại huyện Phú Hòa, bà Lê Thị Hoài Hương, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện cũng cho biết, do ý thức trách nhiệm của một số chủ sử dụng lao động đối với người lao động chưa cao nên tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ còn diễn ra trên địa bàn huyện.
Anh Võ Công Trưởng, sinh năm 1980, ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) từng làm công nhân nhưng đến khi nghỉ việc lại không được chốt sổ BHXH nên không được hưởng các chính sách phúc lợi mà lẽ ra người lao động được hưởng. Anh Trưởng cho biết: “Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều công nhân mất việc và công ty không có khả năng thanh toán các khoản nợ BHXH. Không thể chốt sổ để chuyển sang đóng ở đơn vị khác hay hưởng bảo hiểm thất nghiệp để tổi tìm việc làm mới”.
Giám đốc BHXH tỉnh Trần Quang Vinh cho biết, doanh nghiệp của Phú Yên đa phần là vừa và nhỏ, rất dễ bị tác động, tổn thương và gặp khó khăn khi có biến động của thị trường. Vì vậy, bên cạnh một số doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tìm cách trốn đóng, đóng không đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì có những doanh nghiệp còn khó khăn thực sự. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, Luật BHXH giao chức năng khởi kiện cho tổ chức Công đoàn vì đây là đại diện hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, dù luật đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 nhưng việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa hầu như chưa được tiến hành. Vì vậy, đến nay việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thái Hà – Trần Đoàn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình