Gần 29,7 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ KCB miễn phí được phát tặng trên cả nước
30/09/2022 08:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chia sẻ tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế- xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời đời sống dân cư và công tác ASXH được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Đã có gần 29,7 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Đảm bảo ASXH trong dịch bệnh
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, công tác ASXH được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Theo báo cáo từ địa phương, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là 2,1 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,5 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 3,4 nghìn tỷ đồng (riêng dịp 27/7 là gần 1,9 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 4,38 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 29,7 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục được thực hiện. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 22/9/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3.539 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại 120.295 DN.
Ngoài ra, để đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực, ngày 29/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1010/QĐ-TTg cấp gạo cứu đói hỗ trợ giáp hạt cho tỉnh Bình Định 1.290,7 tấn gạo và tỉnh Phú Yên 84 tấn gạo. Tính chung 9 tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất tổng số hơn 23,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 471.343 hộ với 1.558,8 nghìn nhân khẩu.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua cũng đã tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Đến ngày 26/8/2022, có 5.842/8.225 xã (chiếm 71%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 837 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 105 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
GDP 9 tháng tăng kỷ lục
Bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2022 cũng cho thấy sự khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%- mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2022. Riêng trong quý 3 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải mức tăng này, bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: quý 3/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, GDP ở mức âm 6,03%. Đồng thời, nhìn chung, các hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng qua dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam). Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm…
Số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2022 đạt 163,3 nghìn DN, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Số DN rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn DN, tăng 24,8% so với 9 tháng năm 2021. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022 với 82,6% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III/2022...
Trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thái An
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình