Nâng mức hỗ trợ để tăng độ bao phủ BHXH tự nguyện
29/09/2022 07:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngành BHXH Việt Nam rất cần sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương có chính sách, giải pháp hỗ trợ, thu hút người dân tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện…
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất. Tình trạng này bắt đầu từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo (dự báo là năm 2017). Đến năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11,86% dân số. Dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% vào năm 2038 và 25% vào năm 2050, tương ứng trung bình 4 người dân có một NCT.
Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Trương Xuân Cừ cho biết, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu NCT đang hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH; gần 900.000 NCT hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, tương ứng gần 40% tổng số NCT có khoản tiền lương hằng tháng. Trong số đông NCT còn lại cũng chỉ có một số đối tượng (người không có người phụng dưỡng, người từ 80 tuổi trở lên…) với gần 1,9 triệu người đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Từ thực tế này, ông Trương Xuân Cừ khẳng định, việc tham gia BHXH từ khi còn độ tuổi lao động là giải pháp tốt nhất để mỗi người đều có lương hưu khi về già cùng nhiều chế độ an sinh khác.
Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương (khối kinh tế chính thức), nhưng mới có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH. Ở khối phi chính thức (không có hợp đồng) hiện có khoảng 21,4 triệu người tham gia lao động, nhưng mới chỉ có 0,2% trong số này tham gia BHXH bắt buộc và 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Tính chung, số lao động tham gia BHXH mới đạt hơn 32% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Theo bà Himanshi Jain- chuyên gia bảo trợ xã hội của Ngân hàng Thế giới (WB), phân tích điều tra lao động việc làm của Việt Nam cho thấy việc mở rộng độ bao phủ chỉ thông qua chương trình bắt buộc khó có thể đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về tỷ lệ đóng BHXH 60% vào năm 2030. Do đó, chính sách BHXH tự nguyện cần phải có sự điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu trên.
Bà Himanshi Jain cho biết, có một thực tế tại Việt Nam là người dân thường quan tâm đến lợi ích của lương hưu ở góc độ ngắn hạn hơn là dài hạn như ở độ tuổi 65, 70 tuổi họ sẽ nhận được bao nhiêu tiền. Trong khi đó, chủ yếu người dân tham gia BHXH tự nguyện lại ở độ tuổi từ 40-50 nên họ chưa đủ thời gian đóng để về hưu. Do vậy, đây là một trong những rào cản lớn để mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này thì cần có phương pháp truyền thông linh hoạt, sáng tạo và kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
Bên cạnh đó, khoản đóng và thời gian đóng BHXH tự nguyện vẫn còn cao nên chưa tạo sự hấp dẫn của chính sách đối với đa số người dân. Đặc biệt là đối với người dân lao động trong khu vực phi chính thức, bởi trong cuộc sống hàng ngày họ phải chi tiêu rất nhiều khoản nên khi cần trích một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện khiến họ phải tính toán và đắn đo rất nhiều. Vì vậy, tăng mức hỗ trợ, linh hoạt trong mức đóng, ưu đãi ngắn hạn như khu vực chính thức và thời gian đóng yêu cầu thấp hơn sẽ nâng cao tính hấp dẫn của chương trình…
Cùng quan điểm trên, Quyền Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Gulmira Asanbaeva cho rằng, các chính sách về lao động, việc làm, BHXH cần được thiết kế đồng bộ, linh hoạt hơn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương nên bố trí, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ thêm cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện. Đây cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy người tham gia BHXH tự nguyện tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu đã được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi, việc này khiến nhiều người đang có ý định tham gia BHXH tự nguyện không khỏi băn khoăn… Ghi nhận tại nhiều địa phương cũng cho thấy, không ít người dân đã phải rời lưới an sinh do không có đủ điều kiện tiếp tục tham gia chính sách. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, do 2 năm liên tục bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, NLĐ gặp khó khăn về việc làm, thu nhập lại phải giãn cách xã hội nên việc tăng mức đóng rõ ràng càng thêm khó khăn cho NLĐ, dẫn đến một số người rút khỏi hệ thống, không tham gia tiếp và số người mới không tăng thêm… những yếu tố trên chắc chắn ảnh hưởng đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện là cần thiết, việc này nhằm bảo đảm cho NLĐ khi về già có mức lương hưu cao hơn, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Tuy vậy, để NLĐ yên tâm, BHXH các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, rõ ràng quy định mới này; mặt khác, kiến nghị các địa phương nắm bắt tình hình, có biện pháp hỗ trợ thêm về mức đóng với những đối tượng thực sự khó khăn trong điều kiện ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Đặc biệt, để duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH, một số chuyên gia đưa ra đề xuất Chính phủ nên tăng thêm mức hỗ trợ đóng góp vào quỹ. Theo đó, có thể bằng 2 lần hỗ trợ hiện tại để NLĐ có điều kiện khôi phục và phát triển việc làm tăng thu nhập coi đây như là gói ASXH trực tiếp để bảo toàn và tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Thực tế thời gian qua, tại một số địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện nhằm tăng diện bao phủ. Đơn cử như mới đây, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác. Với mức hỗ trợ này, chắc chắn nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội sẽ có cơ hội được tiếp cận với chính sách vô cùng nhân văn và nếu kiên trì trong tương lai họ sẽ có được lương hưu- điều mà rất nhiều NLĐ mong muốn khi về già…
Hiện nay, dưới góc độ thực hiện chính sách, ngành BHXH Việt Nam đang tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, điều hành để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, NLĐ tham gia BHXH; đồng thời tăng cường đổi mới các hoạt động tuyên truyền nhằm vận động người dân tham gia chính sách. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, Ngành rất cần sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương có chính sách, giải pháp hỗ trợ, thu hút người dân tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện… Tất cả cùng hướng tới mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh cho người dân, NLĐ, giúp NCT có lương hưu.
Thanh Hằng
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình