Tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng sẽ tăng theo tuổi nghỉ hưu

23/08/2023 11:17 AM


(Dân trí) - Đề xuất sửa đổi điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất sửa quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thống nhất, phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ của người lao động.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường vào năm 2023 đối với nam là từ đủ 60 tuổi 9 tháng, với nữ là từ đủ 56 tuổi.

Đối với người đóng bảo hiểm xã hội đang hưởng lương hưu khi qua đời, người thân sẽ được hưởng các khoản trợ cấp mai táng hoặc trợ cấp tuất hàng tháng.

Về trợ cấp mai tháng, theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức trợ cấp mai táng sẽ bằng 18.000.000 đồng.

Về mức trợ cấp tuất hàng tháng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì những người quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng: Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Đang hưởng lương hưu; Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Như vậy, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 900.000 đồng; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 1.260.000 đồng.

Trong đó, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

 Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đang được đề xuất điều chỉnh theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Như vậy, khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được thông qua, điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp sẽ thay đổi.

Theo https://dantri.com.vn