Chốt thời gian đóng bảo hiểm để hưởng trợ cấp thất nghiệp
28/02/2022 08:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Em tôi đã nghỉ việc tại công ty, có giữ sổ bảo hiểm xã hội nhưng chưa được công ty cũ chốt thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Vậy, tôi có thể làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp không? NGUYỄN HOÀI ANH (Cần Thơ)
Ảnh minh họa.
Trả lời:
Căn cứ điểm 1.2 khoản 1 Điều 33c Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định “khi người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận sổ bảo hiểm xã hội”.
Căn cứ Điều 23 Văn bản hợp nhất số 2089 nêu trên, khi cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận được danh sách báo giảm của đơn vị gửi đến thì sẽ thực hiện xác nhận sổ bảo hiểm xã hội theo danh sách và gửi đến người lao động qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính, hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
- Sổ Bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp chưa được chốt sổ, em bạn cần yêu cầu đơn vị sử dụng lao động thực hiện chốt sổ và cung cấp các giấy tờ liên quan xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định. Nếu đơn vị không thực hiện các thủ tục này, người lao động có thể đề nghị công đoàn hoặc cơ quan quản lý lao động địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tính thời gian nghỉ thai sản trong trường hợp sinh con khi nghỉ phép
Người lao động nghỉ phép trước khi sinh con, nếu sinh con trong thời gian nghỉ phép thì thời điểm nghỉ thai sản hưởng bảo hiểm xã hội tính từ sau khi người lao động hết thời gian nghỉ phép hay căn cứ vào ngày sinh?
TRẦN BÁ VŨ (Quảng Ngãi)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Chế độ nghỉ phép (theo Bộ luật Lao động) và chế độ thai sản (theo Luật Bảo hiểm xã hội) là hai chế độ khác nhau. Do vậy, trường hợp người lao động sinh con trong thời gian nghỉ phép thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của người lao động được tính từ ngày sinh con đến hết 6 tháng (nếu người lao động sinh một con), hết 7 tháng (nếu sinh đôi), hết 8 tháng (nếu sinh ba)... theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo https://nhandan.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...