Nghị quyết số 68/NQ-CP: Hỗ trợ kịp thời cho gần 36,5 triệu NLĐ và người dân
27/12/2022 10:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ cho gần 36,5 triệu NLĐ và người dân, 394.000 đơn vị SDLĐ và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền 45.600 tỷ đồng... Đây là thông tin tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 26/12. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn và đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước diễn biến của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và đơn vị SDLĐ trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xây dựng các tiêu chí, điều kiện dễ tiếp cận; bảo đảm chính sách có tính khả thi, hiệu quả và mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách. “Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu NLĐ, 394.000 đơn vị SDLĐ và 508.000 hộ kinh doanh, với tổng số tiền khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng”- ông Thanh thông tin.
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP cho thấy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, cơ quan quản lý nhà nước cũng ban hành các công điện, công văn chỉ đạo, hướng dẫn chung đối với các địa phương. BHXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan lĩnh BHXH; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các địa phương. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp về chính sách, lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, NLĐ và chủ SDLĐ.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng ngay từ khâu xây dựng chính sách. Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết và đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị-xã hội vào cuộc giám sát. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những vướng mắc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đều có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ và đến nay chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, trong quá trình thực hiện chính sách này, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã giao BHXH Việt Nam thực hiện 2/12 chính sách và hướng dẫn xác nhận các thủ tục để NLĐ, chủ SĐLĐ được thụ hưởng 6/12 chính sách. BHXH Việt Nam đã thành lập BCĐ, Tổ thường trực, Tổ giúp việc và ban hành ngay 4 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức hội nghị trực tuyến đến hơn 5.000 điểm cầu BHXH huyện, tỉnh trên cả nước.
Ông Đỗ Ngọc Thọ báo cáo tại Hội nghị
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam có sẵn lợi thế về CSDL, nên tổ chức nhanh chóng và tại hội nghị tập huấn đã quán triệt tuyệt đối không phát sinh thêm bất cứ một THC nào, thời hạn giải quyết đều quy định thực hiện trong một ngày làm việc. Cùng với đó, đẩy mạnh các phương thức giao dịch điện tử, Cổng DVC quốc gia, bổ sung 6 DVC trên Cổng DVC của Ngành và yêu cầu kê khai điện tử cung cấp trên phần mềm IVAN; cung cấp 5 DVC trên Cổng DVC quốc gia; chỉ đạo BHXH các địa phương liên hệ với DN để triển khai các chính sách hỗ trợ và các thủ tục liên quan đến chức năng nhiệm vụ được giao. Hằng ngày, BHXH các địa phương cũng đều có báo cáo nhanh để tổng hợp xem nội dung vướng mắc ra sao để tháo gỡ, xây dựng bộ câu hỏi về những vấn đề phát sinh, tăng cường truyền thông trên Tạp chí của Ngành.
“Tính đến hết 30/6/2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh xong giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp với số tiền 4.164 tỷ đồng; giải quyết cho 1.013 đơn vị với trên 207.000 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 1.393 tỷ đồng tại 59 tỉnh, thành phố; hoàn thành xác nhận xong 6 thủ tục để chủ SDLĐ và NLĐ hưởng các chính sách hỗ trợ ở 74.577 đơn vị để hưởng các chính sách với trên 3.000.500 NLĐ”- ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và chi trả hỗ trợ đào tạo lại nghề cho 8.780 NLĐ với trên 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan BHXH chi trả đã phát sinh 20 đơn vị phải thu hồi sau đào tạo với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng và đã thu hồi hơn 3,78 tỷ đồng về quỹ. Điều này do NLĐ có tên trong danh sách nhưng không tham gia khóa học; đơn vị thực hiện không đúng phương án đào tạo được phê duyệt.
Ông Thọ cho biết thêm, thời gian qua, chúng ta đã cầu toàn trong xây dựng chính sách, xây dựng rất chi tiết, cá biệt hóa đối tượng và loại trừ các đối tượng để tránh hưởng trùng. Tuy nhiên, vấn đề này mang đến khó khăn ngay từ khâu xây dựng, do thiết kế chính sách quá phức tạp, khi tổ chức thực hiện phải mổ xẻ từng đối tượng, dẫn đến khó khăn cho cơ quan tổ chức thực hiện. “Trong các lần tới, khi thiết kế chính sách, chúng ta đơn giản hơn một chút. Nếu vì thiết kế mà được hưởng trùng 1-2 lần, thì chúng ta nên chấp nhận để giải phóng sức cho những người tổ chức thực hiện. Anh em địa phương rất vất vả, ngành BHXH có CSDL thì còn đỡ, nhưng anh em ngành LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương quá vất vả trong xác định đối tượng, tổ chức thực hiện”- ông Thọ đề xuất.
Nhấn mạnh những hạn chế của chính sách, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, trong giai đoạn đầu có nội dung còn chưa sát thực tiễn nên phải sửa đổi, bổ sung do yêu cầu xây dựng nhanh, nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, thiếu hệ thống CSDL, công cụ phân tích, dự báo. Điều này dẫn tới việc đánh giá tác động chính sách, dự liệu đối tượng, nguồn lực triển khai một số chính sách chưa thực sự phù hợp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết chế độ còn nhiều hạn chế, dẫn đến độ chính xác trong việc lập danh sách, rà soát, xác minh đối tượng ở nhiều địa phương chưa cao.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...