Chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội: Sẽ mở rộng thực hiện trong toàn quốc
31/05/2022 10:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Triển khai chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội”.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, ATM, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Internet banking, ví điện tử, QR code và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích cực đón nhận các hình thức thanh toán mới, bởi sự tiện lợi và tốc độ nhanh chóng, do đó hình thức thanh toán này ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn trong các giao dịch trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến.
Qua khảo sát cũng cho thấy, các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Cụ thể: Có tới 82% số người được hỏi cho biết, họ quan tâm đến phương thức thanh toán bằng sinh trắc học, chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch; trong khi 81% người dùng quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người hưởng lương hưu… cần chi trả chế độ hằng tháng đã tới gần 50% dân số, ước tính 5 tỷ USD/năm. Theo đó, kinh phí chi trả cho lĩnh vực người có công khoảng 35.000 tỷ đồng/năm, lĩnh vực bảo trợ xã hội khoảng 22.000 tỷ đồng/năm, chi trả lương hưu với khoảng 2,7 triệu người cũng hơn 100.000 tỷ đồng/năm... Tổng chi trả các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội ước tính 5 tỷ USD/năm.
Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, lượng công việc ngày càng quá tải với các cơ quan chức năng. “Riêng việc thực hiện các gói hỗ trợ dân sinh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã có 87.000 tỷ đồng cần giải ngân. Quá trình giải quyết chế độ chủ yếu vẫn làm thủ công, tiền chi trả chậm đến với đối tượng thụ hưởng”- ông Hồi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồi, Việt Nam có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó gồm: 11,9 triệu người cao tuổi; 1,227 triệu hưởng trợ cấp người có công; 6,2 triệu người khuyết tật; trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần; 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, 3,37% hộ cận nghèo; hơn 3,5 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố cần trợ giúp.
Theo thống kê, tính đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc cũng vào khoảng 16,657 triệu người; BHXH tự nguyện trên 1,338 triệu người; BH thất nghiệp trên 13,537 triệu người; BHYT khoảng 85 triệu người. Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn.
“Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4, thúc đẩy phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Thực hiện hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thí điểm và dự kiến mở rộng thực hiện toàn quốc”- ông Hồi thông tin.
Về hạ tầng kỹ thuật cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đại diện Vụ Thanh Toán (NHNN Việt Nam) cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 20,5 nghìn cây ATM, 48 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 80 ngân hàng đã triển khai Internet Banking, 50 ngân hàng triển khai Mobile Banking, 30 DN viễn thông triển khai Mobile Money, hơn 100 nghìn điểm thanh toán QR…
Tính đến tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó hơn 60% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Nhờ có sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt và nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này. Điều này được thể hiện rõ qua giá trị và số lượng giao dịch của thanh toán điện tử đều tăng trưởng mạnh hơn qua các năm.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia của WB khuyến nghị Việt Nam nên thiết lập nhiều điểm chi trả an sinh xã hội tạm thời tới cấp thôn, bản; hệ thống ngân hàng đảm bảo đủ tiền để người dân rút tiền thuận tiện trong những ngày cao điểm, dịch bệnh như Covid-19; đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản an sinh xã hội và khống chế số lượng tài khoản nhận tiền (tối ưu là 1 tài khoản duy nhất)… "Đại dịch Covid-19 là một phép thử để các nước như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số"- đại diện WB nhấn mạnh.
Nguyệt Hà
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...