Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia
10/05/2022 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo báo cáo của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia, các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai như CSDL quốc gia về dân cư được tích hợp, kết nối và mở rộng, làm giàu dữ liệu.
Đóng góp của kinh tế số, theo ước tính của Bộ TT-TT, trong quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 DN so với năm 2021... Đáng chú ý, công tác đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số. Các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam được các cơ quan, định chế, tổ chức quốc tế quan tâm, đánh giá tích cực và dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu về chuyển đổi số trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, nhân lực cũng là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư. Theo thống kê, hiện Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: Công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 62.000.
Ông Nguyễn Trung Chính- Chủ tịch HĐQT- Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC khẳng định, để có nguồn nhân lực chất lượng cao đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số trên toàn cầu thì cần phải thí điểm mô hình đại học số. Theo thống kê từ CMC, nhu cầu về nguồn nhân lực số rất cao nhưng các trường đại học chưa đáp ứng được. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn chất lượng chỉ đạt 30% đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Trung Chính dẫn chứng Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đã đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, xem Việt Nam là trung tâm (Hub) cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu. Năm 2021, thị trường bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh song nhu cầu nhân lực của Samsung vẫn rất cao. Tập đoàn này yêu cầu CMC cung ứng đến hàng nghìn nhân sự.
“Dù chúng tôi đã nỗ lực đáp ứng nhưng thực tế chỉ có 30% nhân lực đạt yêu cầu Samsung đề ra. Điều này cho thấy chất lượng nhân sự của Việt Nam còn thiếu và yếu. Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường cần đến 1,5 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Như vậy, chúng ta phải cần bổ sung một lượng lớn nhân sự đáp ứng nhu cầu của thị trường”- Chủ tịch CMC nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, để khắc phục được thực trạng trên, chúng ta cần xây dựng thí điểm đại học số để giải quyết bài toán tăng quy mô nhân sự mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Để triển khai đại học số, CMC đề xuất Bộ GD-ĐT có một số quy chế, quy định cần phải thay đổi. Chẳng hạn như hiện nay, số học phần đào tạo trực tuyến theo quy định chiếm khoảng 30% thời gian đào tạo. Đây là điểm hạn chế khi triển khai đại học số và xu hướng học trực tuyến lên ngôi.
Quy mô tuyển sinh năm 2021 là 82.000 sinh viên trên tổng số 300.000 sinh viên có nhu cầu nhập học. Số lượng đầu vào chỉ đáp ứng 24% nhu cầu nhập học. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). “Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp”- ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Theo Thứ trưởng, Để giải quyết vấn đề nhân lực, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng. Đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.
Chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số, đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đam ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình “Giáo dục đại học số” tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc.
Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Hà Thuỷ
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...