Đừng đánh mất “của để dành”
30/11/2021 10:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc nhận BHXH một lần hiện nay khá dễ dàng, khiến nhiều NLĐ tự đánh mất “của để dành”, đặc biệt là với lao động trẻ. Vì vậy, để đảm bảo an sinh lâu dài cũng như hướng tới mọi người cao tuổi trong tương lai đều được hưởng lương hưu, cần sớm sửa đổi quy định về BHXH một lần.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2014- khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực đến nay, số người đề nghị nhận BHXH một lần có xu hướng tăng cao, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,3%. Cụ thể: Năm 2016 có 619.716 người, năm 2017 có 666.955 người, năm 2018 có 762.368 người, năm 2019 có 807.089 người và hết năm 2020 có 860.741 người. Cùng với đó, số tiền chi BHXH một lần cũng tăng tương ứng với số người nhận BHXH một lần: Năm 2016 cả nước chi trả trên 10.457 tỷ đồng BHXH một lần thì năm 2020 tăng lên tới trên 28.464 tỷ đồng…
Ảnh minh họa
Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 93/2015/QH13 của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, số lượng lao động nữ nhận BHXH một lần luôn cao hơn lao động nam. Trong 5 năm (2016-2020), số NLĐ nhận BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khối DN tư nhân (1.463.044 người), DN FDI (1.206.580 người), thấp nhất ở khối sự nghiệp công lập (594 người). Đặc biệt, những người nhận BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20- 40 (chiếm 80,9%), trong đó tập trung đông nhất ở nhóm 20- 30 tuổi (chiếm 42,7%); nhóm 30- 40 tuổi chiếm 38,2%.
Dễ dàng nhận thấy, việc nhận BHXH một lần sớm là xu hướng không nằm ngoài dự đoán. Bởi hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già; đồng thời do áp lực về tài chính khiến số người nhận BHXH một lần ở độ tuổi còn trẻ chiếm tỷ lệ cao hơn so với các độ tuổi khác. Mặt khác, đa số người nhận BHXH một lần do đã ngừng đóng BHXH sau một năm nghỉ việc (chiếm 98,7%); còn số người nhận BHXH một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu chiếm rất ít (chỉ 0,92%)…
Chia sẻ về thực trạng này, ông Nguyễn Hải Anh- đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, số người nhận BHXH một lần gia tăng là một thực tế đáng quan ngại, bởi việc họ rời bỏ hệ thống BHXH cũng chính là tự tước đi quyền được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí. Điều này dẫn đến rủi ro cho chính họ trong tương lai cũng như tạo áp lực, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH cũng như đảm bảo an sinh xã hội đất nước. Do đó, theo ông Nguyễn Hải Anh, tới đây khi sửa Luật BHXH cần phải xem xét quy định về nhận BHXH một lần thật thấu đáo, nhất là cần phải có quy định hạn chế nhận BHXH một lần, nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn- đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, việc tham gia BHXH như “của để dành” và được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Do đó, việc nhận BHXH một lần sẽ khiến NLĐ khi về già gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình. “NLĐ lựa chọn nhận BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định. Đặc biệt, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu”- ông Sơn chia sẻ. Vì vậy, ông Sơn kiến nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi quy định về BHXH một lần để giúp nhiều người sau này có lương hưu.
Cũng theo nhiều đại biểu Quốc hội, để hạn chế tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần, Nhà nước cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về BHXH một lần. Có thể lưu ý lộ trình kéo dài thời gian chờ (để NLĐ có nhiều thời gian hơn tìm kiếm việc làm mới, cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn nhận một lần) từ sau 1 năm lên thành sau 3 năm, 5 năm và tiến tới chỉ giải quyết BHXH một lần khi NLĐ đã hết tuổi lao động mà chưa đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu và không có khả năng đóng một lần cho thời gian còn thiếu; hoặc những trường hợp NLĐ ra nước ngoài định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...