Y đức, y nghiệp của thầy thuốc
04/12/2018 07:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bà N bị đau họng, ho, sổ mũi, nghẹt mũi. Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường đã mấy năm nay, bà liền cầm sổ đến trạm để được khám chữa bệnh chứ không tự ý mua thuốc uống. Sau khi khám và kê đơn thuốc, nhân viên y tế ân cần dặn bà không uống nước đá lạnh, không bật quạt hướng thẳng vào mặt khi đi ngủ… Bà N rất hài lòng về sự chu đáo của nhân viên y tế.
“Nhiều nhân viên y tế, tuy không có trình độ chuyên môn cao nhưng quan tâm đến người bệnh nên người bệnh hài lòng. Mấu chốt là thầy thuốc có quan tâm đến bệnh nhân hay không, có thông cảm với nỗi khổ của người bệnh hay không. Tất nhiên khi bệnh nhân quá đông, thầy thuốc muốn giải thích, tư vấn thêm cho họ cũng khó…”, ông Nguyễn Hoài Vũ, Phó Trưởng Trạm Y tế phường 1 (TP Tuy Hòa) nói.
Tất nhiên, y đức của người thầy thuốc không chỉ là thái độ trong giao tiếp, ứng xử tốt với người bệnh. Trong chương trình tập huấn Truyền thông và giáo dục nâng cao y đức, y nghiệp do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Sở Y tế và Hội Y học tỉnh tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên mới đây, GS-TS Phạm Thị Minh Đức, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội có bài giảng “Y đức, y nghiệp: Sự cần thiết, nội dung và các thách thức”. Theo ông Vũ, tuy thời gian quá ngắn nhưng nội dung tập huấn rất cần thiết đối với các cán bộ, nhân viên y tế.
Tại buổi tập huấn có sự tham gia của gần 300 học viên là bác sĩ, điều dưỡng, hội viên Hội Y học Phú Yên, GS Minh Đức nhấn mạnh đến bốn nguyên lý cơ bản của đạo đức trong hành nghề y: Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh, có lòng nhân ái, không gây tổn hại cho người bệnh và đảm bảo công bằng. Bốn nguyên lý này chi phối mọi hành vi, mọi cách giải quyết các vấn đề liên quan đến người bệnh trong thực hành lâm sàng và nghiên cứu y sinh học. Để hành nghề an toàn và đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của người bệnh, thầy thuốc cần hành nghề một cách chuyên nghiệp.
Vậy tại sao nghề y đề cao tính chuyên nghiệp? Vì đây không phải nghề kiếm sống đơn thuần mà là một nghề nghiệp đặc biệt, mang sứ mệnh và sự ủy thác của xã hội. Nghề y tác động đến mọi người trong xã hội, tác động đến mọi giai đoạn trong cuộc đời mỗi con người; có sự giao thoa giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghệ thuật; đối tượng phục vụ là con người, có đặc điểm sinh học khác nhau giữa các cá thể…
Theo GS Minh Đức, xây dựng tính chuyên nghiệp trong nghề y cần dựa trên bốn nguyên lý: Có lòng vị tha (đặt lợi ích người bệnh lên trên lợi ích của thầy thuốc), duy trì năng lực chuyên môn (bằng cách thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng), tự điều chỉnh (tự kiểm soát bản thân, kiểm soát đồng nghiệp để tránh sai sót) và có trách nhiệm với xã hội.
Trong thực hành y khoa, sự cố luôn thường trực. Theo GS-TS-Anh hùng Lao động Trần Quỵ, Ủy viên Ban Thường vụ Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sai sót và tai biến có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống, trên mọi thiết bị, trong mọi quy trình, ở mỗi cá nhân, mỗi cơ sở khám chữa bệnh, có phạm vi quốc gia và quốc tế.
Ước tính tại Úc, hàng năm có khoảng 470.000 người bệnh nhập viện gặp sự cố y khoa. Tại Mỹ, trong một triệu người bệnh nhập viện mỗi ngày, tỉ lệ nhầm lẫn thuốc là 2%. Các nguyên nhân gây sự cố y khoa gồm: nhiễm khuẩn bệnh viện, nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật, chẩn đoán sai/chậm, phác đồ/quy trình không cập nhật, nhầm người bệnh, sao chép sai, thủ tục hành chính rườm rà dẫn đến khám chữa bệnh không kịp thời, nhân viên y tế tắc trách… Tại Việt Nam, nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân chính gây sự cố y khoa.
Cách giải quyết “quen thuộc” khi xảy ra sự cố y khoa là quy trách nhiệm cá nhân, xử lý kỷ luật. Tuy nhiên tại buổi tập huấn, GS Trần Quỵ cho biết: 70% sự cố y khoa do lỗi hệ thống, 30% do lỗi cá nhân. Đáng chú ý, gần 50% sự cố y khoa có thể phòng ngừa được. Khi xảy ra sự cố y khoa, cần phải phân tích nguyên nhân gốc cũng như các yếu tố liên quan và đưa ra biện pháp giải quyết; không định kiến, che giấu.
Y học là khoa học chẩn đoán, có tính xác suất. Cơ sở y tế là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người bệnh lẫn nhân viên y tế. Chính vì vậy phải quản lý chất lượng và an toàn người bệnh là chỉ số chất lượng thiết yếu, là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế.
“Nghề y là nghề phải học cả đời, từ trau dồi y đức cho đến chuyên môn”, Dương Văn Kha, nhân viên y tế đang làm việc tại Trạm Y tế phường 2 (TP Tuy Hòa) chia sẻ sau buổi tập huấn.
Theo baophuyen.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...