Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Chỗ dựa của lao động tự do khi về già
25/09/2018 09:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Người dân liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Tuy Hòa để nhận lương hưu - Ảnh: THÁI HÀ
Tuổi già chật vật tìm sinh kế
Tỉ lệ dân số cao tuổi ngày càng lớn cộng với gánh nặng bệnh tật và tử vong đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, khiến cho nhiều người dù ốm đau, bệnh tật vẫn phải chật vật tìm sinh kế.
Bà Lê Thị Nữa ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) năm nay 75 tuổi, chồng bà là ông Lê Quang Sáu, 78 tuổi, nhưng ngày nào cũng phải đẩy xe bắp nướng đi từ nhà ra phường 7 để bán. Ngót nghét tuổi 80, ông Sáu đã không thấy đường từ mấy năm trước cộng với đủ các bệnh tật trên người nên đẩy được xe bắp ra đến nơi ông Sáu đã mệt hết hơi, nằm vật vạ trên vỉa hè… để chờ bà Nữa bán xong thì đẩy xe về.
Bà Nữa chia sẻ, thời trẻ bà cũng là người sắc sảo, buôn bán lâu năm ở chợ Tân Hiệp (TP Tuy Hòa). Tuy nhiên, khi có tuổi, bà không đủ sức vóc để thức khuya dậy sớm, chuyên chở hàng hóa nên không thể bám trụ với công việc buôn bán này.
Nghỉ ở nhà mấy năm, tiền tích lũy hao mòn dần. Cuối cùng, tuổi già chưa thực sự đến thì tiền bạc đã cạn kiệt. Không thể nhờ vả các con vì đứa nào cũng nghèo nên bà Nữa phải lao động trang trải chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng già và mua thuốc men. Hàng ngày, bà Nữa phải rời nhà lúc 12 giờ trưa, mang theo bữa trưa, làm việc tới chiều tối và về nhà khi đã 22 giờ đêm.
Đường xa, chân không còn nhanh nhẹn, ông Sáu lại không thấy đường nên có hôm té xuống ruộng, phải nhờ người đi đường kéo giúp lên rồi chở về nhà. Tuổi già của hai vợ chồng bà Nữa là những ngày dầm mưa dãi nắng mưu sinh cực nhọc. Không tiền tích lũy, không có lương hưu, dù tuổi cao ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn chật vật tìm sinh kế.
Theo VOV, năm 2017, Việt Nam có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Trong đó có hơn 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp.
Trong những năm qua, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi. Cụ thể, chỉ những người có địa vị, chức tước khi về già mới có nhiều quyền lực.
Còn những bậc làm cha, làm mẹ trong các gia đình nông thôn, các gia đình làm nông nghiệp thì khi mất khả năng lao động phải phụ thuộc hoàn toàn vào con cháu và khoản trợ cấp ít ỏi của Nhà nước nên đa phần cuộc sống cơ cực, tiếng nói và uy tín ngày một tụt dốc.
Cánh cửa an sinh rộng mở
Theo các quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2016, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện. Đây là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân; giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu (hoặc trợ cấp một lần) và chế độ tử tuất theo quy định.
Để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH và được nhận lương hưu, từ 1/1/2018, Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỉ lệ phần trăm mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Người tham gia BHXH tự nguyện đóng phí cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu định kỳ linh động theo thời hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Cả thời tuổi trẻ làm việc vất vả để nuôi con, đến lúc về già, bà Lê Thị Ánh, 63 tuổi (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) mới thấy đồng lương hưu quý giá. Bà Ánh chia sẻ: “Tôi làm trong cơ quan nhà nước từ lúc trẻ đến lúc nghỉ hưu. Gần 10 năm nay, tôi không còn làm việc nhưng hàng tháng đều nhận được gần 5 triệu đồng tiền lương hưu và sống thư thả mà không phụ thuộc vào con cái. Với số tiền ấy, thi thoảng tôi còn giúp các con, giúp chị em trong gia đình gặp khó khăn.
Ở cái tuổi gọi là già tôi mới thấy tiền bạc và sức khỏe là vô cùng quan trọng. Nếu không có lương hưu, người già cũng phải tìm cách tích lũy để lo cho tương lai. Bởi với số đông, tuổi già nay ốm mai đau, có sẵn một khoản tiết kiệm phòng thân để khỏi phiền lụy con cháu mới có thể sống thoải mái. Tôi biết rất nhiều người già đến cuối đời vẫn rất cơ cực vì không tiền, bị con cháu hắt hủi”.
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, để chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống, ngành BHXH tỉnh đang tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú dễ nhớ, dễ hiểu, giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt được quy định mới, chính sách ưu đãi cũng như lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, trước mắt BHXH tỉnh chú trọng đến các đối tượng có mức sống khá, vùng có điều kiện kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người và đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian tới, BHXH sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu những chính sách hỗ trợ một phần chi phí đóng bảo hiểm, điều chỉnh những chính sách cho phù hợp với thực tế và mở rộng mạng lưới các đại lý bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia, để BHXH tự nguyện thực sự trở thành chỗ dựa cho những người lao động tự do, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thái Hà
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...