Nội dung chương trình giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam ngày 24/5/2018

28/11/2024 08:45 AM


Câu 92: Bạn đọc từ mail linhanh3456hp@gmail.com hỏi:

Tôi ở một xã miền núi, xin hãy cho biết tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện thì cần các thủ tục gì và đăng ký tham gia ở đâu? Và xin cho biết mức đóng hàng tháng và mức hỗ trợ của nhà nước khi tham gia BHYT theo hộ gia đình? Tôi muốn tham gia BHYT theo hộ gia đình, xin hãy cho biết tôi cần chuẩn bị các hồ sơ thủ tục gì và tôi có thể đăng ký tham gia ở đâu?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì người tham gia kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình bạn bổ sung giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể” (nếu có) hoặc bổ sung Giấy tờ chứng mình hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (nếu có), chi tiết tại Phụ lục 03 Quyết định số 595/QĐ-BHXH.

2.  Bạn có thể đến các điểm thu, đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình. Thông tin các điểm thu, đại lý thu được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam qua địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/diem-thu-dai-ly.aspx

3. Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình quy định: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng theo quy định.

Câu 91: Bạn đọc từ mail drnguyenquocminh@gmail.com hỏi:

Dạ cho em hỏi phòng khám đa khoa có được khám cho bệnh nhân có thẻ BHYT thông tuyến trên toàn quốc không? Ví dụ bệnh nhân A đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện huyện thuốc tỉnh Khánh Hòa có khám bệnh tại PKĐK thuộc tỉnh Đồng Nai hoặc TP.HCM được không?

Em cám ơn nhiều!

BHXH Việt Nam trả lời:

Hiện nay, việc khám chữa bệnh BHYT thông tuyến trên toàn quốc chỉ áp dụng tại các bệnh viện tuyến huyện, không áp dụng thông tuyến trên toàn quốc đối với các phòng khám đa khoa.

Trường hợp đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa đến KCB tại phòng khám đa khoa thuộc tỉnh Đồng Nai hoặc TP Hồ Chí Minh thì không áp dụng khám chữa bệnh thông tuyến.

Câu 90: Bạn đọc từ mail trang1984hg@gmail.com hỏi:

Tôi là công chức, đã tham gia BHYT hơn 8 năm, trước đây tôi đi khám bệnh thường không sử dụng thẻ BHYT, nay tôi thấy đã có nhiều thay đổi đối với người khám bệnh có sử dụng thẻ BHYT, tôi muốn tìm hiểu về giá thanh toán các dịch vụ y tế để thuận tiện khi đi khám bệnh tại bệnh viện tư nhân có thanh toán BHYT?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, người tham gia BHYT khi đi KCB tại các bệnh viện tư nhân sẽ được thanh toán theo mức giá quy định Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Phần chênh lệch giữa giá KCB của cơ sở tư nhân và mức giá thanh toán BHYT người tham gia BHYT tự chi trả cho cơ sở KCB.

Câu 89: Bạn đọc từ mail linhanh3456hp@gmail.com hỏi:

Tôi có vài câu hỏi về BHYT, BHXH. Rất mong được BTC chương trình giải đáp để chúng tôi có được những thông tin rõ hơn về BHXH, BHYT.

1. Mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến từ ngày 01/7/2018 được quy định như thế nào?

2. Trường hợp người tham gia BHYT khi đi KCB tại các cơ sở KCB giáp ranh của hai tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương có được quỹ BHYT thanh toán không? Mức hưởng như thế nào? Phải làm thủ tục gì để được thanh toán?

3. Gia đình tôi có tham gia BHYT theo hộ gia đình, vậy xin hỏi từ ngày 01/7/2018 tôi có cần lưu ý gì khi đi KCB BHYT không?

4. Trước đây khi đi KCB phải trình thẻ BHYT để được thanh toán chi phí KCB? Vậy nay đi khám chữa bệnh mà quên không mang thẻ BHYT có được thanh toán không?

5. Xin hãy cho biết Hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT được quy định như thế nào?

6. Xin hãy cho biết Thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu được quy định như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 22 Luật BHYT thì trong năm 2018 người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ như sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

- Đối với người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

- Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 100% chi phí KCB BHYT theo phạm vi, mức hưởng của đối tượng khi KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

2. Đối với trường hợp KCB BHYT giáp ranh tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các địa bàn giáp ranh theo hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các địa bàn giáp ranh.

Trường hợp Ông/Bà đi KCB BHYT tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện của tỉnh giáp ranh theo quy định trên thì được hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng.

3. Từ ngày 01/7/2018 mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng. việc tăng lương cơ sở cũng giúp quyền lợi và mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT gia tăng như sau:

- Số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm tài chính làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng;

- Chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng.

- Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dich vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng.

4. Trường hợp người tham gia BHYT đi KCB không xuất trình thẻ BHYT thì sẽ được thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT tại cơ quan BHXH như sau:

- Tại cơ sở y tế có hợp đồng KCB BHYT: thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định;

- Tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT: thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không vượt quá các mức sau:

+ Tuyến huyện: Ngoại trú là 60.000 đồng; Nội trú là 500.000 đồng;

+ Tuyến tỉnh: Nội trú là 1.200.000 đồng; Không thanh toán chi phí KCB ngoại trú;

+ Tuyến Trung ương: Nội trú là 3.600.000 đồng; Không thanh toán chi phí KCB ngoại trú.

5. Hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT gồm các giấy tờ sau:

- Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

- Thẻ BHYT, Giấy tờ chứng minh về nhân thân và giấy chuyển viện/giấy hẹn khám lại (nếu có).

- Giấy ra viện.

- Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).

6. Thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu: Vào đầu mỗi quý đề nghị Ông/bà đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hướng dẫn thủ tục đổi nơi đăng ký KCB ban đầu.

Câu 88: Bạn đọc từ mail ng.minhphuong0609@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi là hiện tại em đã bảo lưu tại trường đại học và vẫn chưa đi làm vậy em có thể mua bảo hiểm tự nguyện được không? 

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của bạn đã bảo lưu tại trường đại học, chưa đi làm và không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 thì bạn thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tại Khoản 5 Điều 12 Luật này. Bạn có thể đến các điểm thu, đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất để tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thông tin các điểm thu, đại lý thu được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam qua địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/diem-thu-dai-ly.aspx

Câu 87: Bạn đọc từ mail truongthungan81@gmail.com hỏi:

Ngày 2 tháng 4 năm 2018 tôi phải nhập viện theo dõi chửa vết mổ đến hết ngày 5/4 tôi được ra viện với kết luận là thai 6 tuần chửa vết mổ. Phương pháp điều trị là hút thai dưới màn hình siêu âm. Trong giấy ra viện bác sĩ cho tôi nghỉ theo chế độ sau khi ra viện. Nhưng khi thanh toán chế độ thai sản, cơ quan bảo hiểm chỉ cho tôi được hưởng 4 ngày nằm viện mà không được hưởng 20 ngày chế độ tương ứng với hút thai 6 tuần với lý do thai ngoài tử cung. Nhưng trong giấy ra viện của tôi bác sĩ kết luận là chửa vết mổ chứ không phải là chửa ngoài tử cung và phương pháp điều trị của tôi là hút thai chứ không phải là mổ lấy thai ngoài tử cung. Với người lao động không có chuyên môn về y học như tôi thì chửa vết mổ và chửa ngoài là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Vậy mong Anh/chị giải thích giúp tôi thắc mắc này.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của bạn đã được Bệnh viện cấp giấy ra viện với kết luận là thai 06 tuần chửa trên vết mổ, phương pháp điều trị là hút thai với chỉ định của bác sĩ là nghỉ theo chế độ. Theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH, thời gian nghỉ việc tối đa của lao động nữ được hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Do đó, trường hợp của Bạn sẽ được nghỉ tối đa là 20 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Câu 86: Bạn đọc từ mail thaiminhdienkg@gmail.com hỏi:

Hàng tháng, đơn vị sử dụng lao động trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định nhưng các quyết định nâng lương, hợp đồng... và mẫu D02-TS nộp sau thời gian quy định thì đơn vị có bị tính lãi chậm đóng bảo hiểm không? Cơ quan BHXH căn cứ phần mềm báo các đơn vị nộp chậm và tính lãi, tuy nhiên đối chiếu chứng từ hàng tháng thì không tháng nào đơn vị sử dụng lao động nộp thiếu, nhưng vẫn bị tính lãi. Đơn vị có yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đối chiếu với đơn vị sử dụng lao động chi tiết từng tháng từ năm 2013 đến nay (gồm các cột: Quỹ tiền lương, các khoản bảo hiểm phải nộp theo tháng, tiền bảo hiểm đã nộp theo tháng, thừa, thiếu, nguyên nhân), nhưng cơ quan BHXH cho biết, chỉ xác nhận biểu mẫu theo quy định của BHXH Việt Nam. Vậy, trong trường hợp nêu trên, cơ quan BHXH không xác nhận thì có đúng quy định không? Từ năm 2013 đến năm 2017, cán bộ chuyên môn không cập nhật lương, hồ sơ bảo hiểm cho người lao động và thông báo đơn vị nộp thừa từ năm 2013 đến tháng 12/2017. Vậy, trách nhiệm này có thuộc về đơn vị sử dụng lao động không?

Trân trong!

BHXH Việt Nam trả lời:

- Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 138, Luật BHXH năm 2006; Khoản 3, Điều 122, Luật BHXH năm 2014; Khoản 2, Điều 18, Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, đơn vị chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng. Từ ngày 01/01/2016, sau 06 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. Vì vậy, trường hợp từ trước và sau ngày 01/01/2016 đơn vị đã thực hiện trích đóng vào quỹ BHXH đầy đủ, kịp thời nhưng chậm nộp hồ sơ điều chỉnh số tiền đóng BHXH thì không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

- Căn cứ Điều 20 và Khoản 1, Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH năm 2014 hàng tháng đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm báo tăng, báo giảm kịp thời với cơ quan BHXH. Từ năm 2013 đến tháng 12/2017, đơn vị không đối chiếu với cơ quan BHXH, do đó trách nhiệm báo tăng, báo giảm chậm thuộc về đơn vị sử dụng lao động. Đề nghị đơn vị sử dụng lao động làm việc với cơ quan BHXH nơi đơn vị đang tham gia BHXH để thực hiện phối hợp đối chiếu, thu nộp theo quy định.

Câu 85: Bạn đọc từ mail ut165273@gmail.com hỏi:

Lúc trước em có 1 sổ bảo hiểm với số sổ: 5820515075  được cấp tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

em vào làm việc ở Bình Dương làm trường Mầm Non Hoa Mùa Xuân/ấp 4/xã Vĩnh Tân huyện Tân Uyên/Tỉnh Bình Dương và được chủ trường tham gia BHXH từ tháng 12/2017 đến hết tháng 3/2018 em xin nghỉ. Trường kêu em đưa sổ bảo hiểm ở ngoài quê em để tiến hành gộp sổ bảo hiểm cho em. Nhưng đến nay đã gần 2 tháng mà trường vẫn chưa trả sổ lại cho em.

Cho em hỏi trường hợp của em thì bao lâu mới có sổ bảo hiểm! Và nếu trường cứ trì truệ không trả sổ cho em thì em phải liên hệ cơ quan nào để giải quyết vấn đề này. Em cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 2, Điều 29, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì thời hạn giải quyết hồ sơ gộp sổ BHXH không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp bạn đã nộp tất cả các sổ BHXH cho Trường Mầm non Hoa mùa xuân, Tỉnh Bình Dương để làm thủ tục gộp sổ BHXH thì bạn liên hệ và yêu cầu Trường Mầm non Hoa mùa xuân làm thủ tục nộp cơ quan BHXH để gộp sổ BHXH.

Câu 84: Bạn đọc từ mail trungkien03061988@gmail.com hỏi:

Mình làm ở công ty vốn nước ngoài và có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Và vừa rồi mình có đi khám ở bệnh viện tư là bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc 55 Yên Ninh, Ba Đình và các bác sỹ ở đó chuẩn đoán mình viêm tai và họng cấp cần nghỉ để điều trị. Bệnh viện đã viết giấy nghỉ ốm có hưởng chế độ bảo hiểm cho mình. Nhưng về công ty thì bạn làm bảo hiểm của công ty không làm thủ tục cho mình với lý do là mình khám ở viện tư không có trong hệ thống bảo hiểm xã hội. 

Vậy ban quản trị cho hỏi như thế có đúng không và giấy nghỉ ốm của bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là không có giá trị ak. Rất mong ban quản trị giải đáp giúp mình. Xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;

b) Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nếu Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc nơi Bạn khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện theo các quy định nêu trên và mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo đúng quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế và Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên thì Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cấp đủ điều kiện để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Câu 83: Bạn đọc từ mail huongttk@oucru.org hỏi:

Tên tôi là Trần Thị Kiều Hương, sinh ngày 23/04/1978, số CMND là 011925856, công tác tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng trường Đại học  Oxford- Bệnh viện nhiệt đới Trung ương- 78 Giải Phóng- Hà nội. Tôi xin được hỏi một việc như sau:
Tôi mang bầu được 15 tuần nhưng do thai nhi bất thường nên tôi đã đến khoa điều trị tự nguyện bệnh viện phụ sản trung ương xin đình chỉ thai. Trong giấy ra viện của tôi có ghi chú là "nghỉ công tác theo chế độ". Tôi đã chụp ảnh giấy này gửi đến cơ quan công tác để nhờ các chị gửi lên cơ quan bảo hiểm xã hội và xác nhận cho tôi về chế độ được hưởng. Tuy nhiên, khi tôi gọi điện đến cơ quan thì được trả lời là việc này do cá nhân tự làm việc với cơ quan bảo hiểm để biết được quyền lợi về số ngày nghỉ cũng như hưởng lương theo bảo hiểm như thế nào. Tôi đã ra viện vào ngày 12/05/2018 và đang xin nghỉ phép để được dưỡng sức ở nhà. Nhưng số lượng ngày phép cũng có hạn.  Xin cơ quan bảo hiểm xã hội tư vấn cho tôi biết theo đúng chế độ tôi sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày và hưởng lương theo bảo hiểm xã hội như thế nào. Tôi nên liên hệ cơ quan bảo hiểm ở phòng ban và địa chỉ nào để nhận được xác nhận về chế độ hưởng bảo hiểm của mình. Thủ tục giấy tờ hồ sơ tôi cần chuẩn bị gồm những gì. Thời hạn nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ trong bao lâu. Tôi xin gửi file đính kèm là ảnh chụp giấy ra viện của tôi để cơ quan bảo hiểm tham khảo. 
Tôi rất mong sớm nhận được thư trả lời của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Biết được chế độ bảo hiểm của mình sẽ giúp tôi nghỉ ngơi theo đúng quy định của luật bảo hiểm, không vi phạm các quy định của cơ quan và yên tâm mau chóng hồi phục sức khỏe.

Tôi xin trân thành cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Căn cứ quy định nêu trên, công ty của bạn phải có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản của bạn đến cơ quan BHXH nơi công ty đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH, thời gian nghỉ việc tối đa của lao động nữ được hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Mức hưởng một thángtheo quy định tại Điều 39 Luật BHXHbằng 100% mứcbình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật BHXH hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động.

 Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu 82: Bạn đọc từ mail hangdo.9x@gmail.com hỏi:

Em nghỉ thai sản khi đang làm việc cho công ty.

Em đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội nhưng công ty trả lời rằng không phải do công ty làm chế độ thai sản cho em.

Vậy em hỏi là công ty trả lời như vậy là đúng hay sai. Và nếu công ty không làm thì ai sẽ là người làm chế độ này cho em?

Em cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.