Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21: Lan tỏa các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
19/09/2016 03:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhờ triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT đã từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu người bệnh - Ảnh: NGUYÊN LƯU
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020, mức bao phủ BHYT ở Phú Yên từ 55,3% (năm 2012) lên 79% dân số (tính đến tháng 6/2016 ). Cùng với đó, tỉ lệ người tham gia BHXH, BH thất nghiệp cũng tăng lên đáng kể, minh chứng cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về các chính sách an sinh trụ cột này.
BHXH tỉnh là đơn vị có chức năng tổ chức trực tiếp thực hiện chính sách BHXH và BHYT nên cần phối hợp với các sở ngành liên quan phát huy tính năng động, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đơn vị cũng cần chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lộ trình tham gia BHYT theo chỉ tiêu mới Chính phủ giao; nâng cao công tác tuyên truyền; phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng
Các cấp, các ngành cùng vào cuộc
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, trong những năm qua, công tác BHXH, BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ. Trước thực tế đó, ngày 22/11/2012, Bộ chính trị đưa ra Nghị quyết 21 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nhằm cụ thể hóa nghị quyết 21, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 46 về công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2013-2016 với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành.
Để thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 21, đồng thời tổ chức học tập, phổ biến Nghị quyết 21-NQ/TW. Tại các địa phương, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo đầy đủ theo hướng dẫn và chỉ đạo triển khai kịp thời, từ đó nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức tham gia BHYT vì lợi ích của chính mình, của gia đình và cộng đồng ngày càng được nâng cao.
Bà Phạm Thị Lào, Giám đốc BHXH huyện Sông Hinh cho biết, Sông Hinh là huyện miền núi của tỉnh có dân số 48.111 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47%, tỉ lệ hộ nghèo ở mức gần 31% và cận nghèo chiếm hơn 13% dân số toàn huyện. Thực hiện Nghị quyết 21, BHXH huyện Sông Hinh đã nỗ lực đưa Luật BHXH, BHYT cơ bản đi vào cuộc sống; giúp cho nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nâng lên rõ rệt và ngày càng thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của ngành, đoàn thể trong việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện, góp phần đưa tỉ lệ người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện ngày một tăng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên, trong 3 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã ký kết với BHXH tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh tham gia BHYT hộ gia đình. Hội LHPN tỉnh cũng đưa ra chỉ tiêu để phấn đấu tập huấn cho 100% cán bộ Hội cơ sở là những tuyên truyền viên của Hội nắm rõ, hiểu đúng về chính sách BHYT và hàng năm vận động ít nhất 20% hội viên phụ nữ tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nhờ vậy, chính sách BHXH, BHYT ngày càng được người dân nắm bắt đầy đủ.
Thành tựu
Ông Hồ Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, tình hình kinh tế ở Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển chậm dẫn đến số lao động tham gia BHXH, BHYT còn hạn chế; đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng không đáng kể; đối tượng hộ gia đình và hộ cận nghèo tham gia BHYT còn thấp; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH còn xảy ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, nhờ triển khai tích cực Nghị quyết 21, tính đến ngày 30/6, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 82.363 người, chiếm 16,4% lực lượng lao động (năm 2012, tỉ lệ 9,4% lực lượng lao động); số người tham gia BH thất nghiệp là 71.894 người chiếm 14,3% lực lượng lao động (năm 2012, tỉ lệ 7,6% lực lượng lao động); số người có thẻ BHYT là 710.333 người, chiếm tỉ lệ 79% dân số toàn tỉnh (năm 2012, tỉ lệ 55,3% dân số); số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước với tỉ lệ số thu đều đạt và vượt so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao hàng năm. Từ năm 2013-2015, BHXH tỉnh đã giải quyết cho 61.496 người hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp… Những kết quả đạt được trên cho thấy chính sách BHXH, BHYT đã đến được gần với người lao động và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đồng chí Phan Đình Phùng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của đảng về BHXH, BHYT tại cơ sở y tế để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. THÁI HÀ
ÔNG ĐINH KHẮC ĐÔ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB-XH: Tăng cường quản lý Nhà nước về BHXH trên địa bàn tỉnh
Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chấp hành tốt các chế độ, chính sách về BHXH; ban hành nhiều văn bản đôn đốc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH, BH thất nghiệp đối với người lao động; từng bước nâng cao dần tỉ lệ lao động tham gia BHXH. Cụ thể, năm 2013 có 11% tổng số người lao động tham BHXH trong tổng số người tham gia hoạt động kinh tế thì năm 2014, con số này tăng lên 15,65% và năm 2015 là 16%. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra về pháp luật lao động, BHXH cũng được Sở LĐ-TB-XH và các ngành liên quan tăng cường, đẩy mạnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Nhìn lại kết quả thực hiện chính sách về BHXH những năm gần đây, chúng ta có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc việc đóng, hưởng chế độ BHXH, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy ý nghĩa to lớn của chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, đồng thời thể hiện tính ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.
ÔNG HUỲNH KIM HÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH: Nâng cao nhận thức BHYT của người sử dụng lao động và người lao động
Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và BHXH, 3 năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh
đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người sử dụng lao động và người lao động đối với việc thực hiện chính sách pháp luật Nhà nước về BHXH, BHYT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, ngoài phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì trong 3 năm, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn trong đó lồng ghép các nội dung pháp luật quy định thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho hơn 1.000 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động. Đặc biệt, trong Tháng Công nhân, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 5 buổi tuyên truyền Pháp luật lao động, Luật Việc làm, đồng thời tư vấn cho gần 130 lao động là đại diện các nhóm lao động và những người sử dụng lao động các vấn đề mà họ quan tâm…
Ngoài việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, trong những năm qua, Công đoàn đã phối hợp kiểm tra liên ngành về pháp luật lao động, BHXH; kiểm tra công tác chi trả các chế độ BHXH; tập huấn về chính sách BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, các đơn thư về chế độ BHXH, BHYT liên quan đến công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh; kiến nghị đề xuất cơ quan chức năng xử lý những đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN… góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
ÔNG TRẦN NGỌC DƯNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ: Không tham gia BHYT, người dân sẽ bị thiệt thòi
Trong những năm qua, ngành Y tế Phú Yên đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ; cải cách quy trình khám chữa bệnh, xử lý kịp thời những tiêu cực trong các hoạt động của ngành… Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến được cải thiện đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành đã thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú cho 829.139 lượt người, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước; khám chữa bệnh nội trú cho 35.217 lượt người, tăng 12,9% so với cùng kỳ; quỹ BHYT chi trả khoảng 217 tỉ đồng cho bệnh nhân khám và điều trị nội trú, ngoại trú. Khoảng chi phí mà quỹ BHYT và quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo chi trả thực sự là chiếc phao cứu sinh đối với gia đình nghèo, cận nghèo và thậm chí là những gia đình khá giả không may mắc bệnh phải điều trị tại bệnh viện.
Hiện nay, giá các dịch vụ y tế đã tăng lên nhằm mục đích nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tương xứng để người dân hưởng lợi. Với khung giá viện phí mới, những người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, có cơ hội tiếp cận và sử dụng nhiều loại dịch vụ y tế có chất lượng và hiệu quả cao mà không phải chi trả nhiều. Còn nếu người bệnh không tham gia BHYT, thì sau một đợt điều trị bệnh dài ngày có thể đẩy gia đình từ khá giả xuống ngưỡng nghèo, các gia đình cận nghèo xuống hộ nghèo và những gia đình đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Theo baophuyen.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...