Các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi được triển khai kịp thời, đúng mục tiêu

30/11/2021 02:40 PM


Để chuẩn bị kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII, ngày 29/11, Ban Dân tộc - HĐND tỉnh tổ chức phiên họp để thẩm tra tình hình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi năm 2021 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Đồng chí Phạm Ngọc Công - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự có đồng chí Nguyễn Tấn Chân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu liên quan.

Phiên họp của Ban Dân tộc HĐND tỉnh thẩm tra tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi năm 2021

Theo báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện các chương trình,chính sách dân tộc, miền núi năm 2021 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022, Ban dân tộc HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với các nội dung thuộc lĩnh vực dân tộc được nêu trong các báo cáo của UBND tỉnh. Theo đó, các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng mục tiêu và đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định.

Trong năm 2021, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, thực hiện phổ cập THPT; thực hiện tốt các chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh người dân tộc thiểu số thuộc các đối tượng theo quy định. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm chú trọng. Đã cấp 32.428 thẻ BHYTcho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giảm 5.161 thẻ so với thời điểm 30/6/2021. Dự ước năm 2021, tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT nội tỉnh người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 40.605 lượt người với chi phí 22,7 tỷ đồng; tổng số lượt khám chữa bệnh ngoại tỉnh là 1.057 lượt người với số tiền 3,5 tỷ đồng…

Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi năm 2021. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tuy có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, còn có khoảng cách lớn giữa vùng miền núi và đồng bằng. Đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tuy có giảm hàng năm nhưng vẫn còn ở mức cao, giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn lớn...

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi năm 2021 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 của Ban Dân tộc. Đại diện các sở ngành liên quan cũng đã thông tin làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế, qua đó có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, nhất là liên quan đến các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo hiểm y tế; việc bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển đồng bào dân tộc thiểu số…

Ban dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh trong thời gian tới cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình, chính sách đã được UBND tỉnh phân bổ năm 2021; có cơ chế ưu đãi thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi. Bên cạnh đó, quan tâm ưu tiên bố trí vốn, huy động các nguồn lực, phối hợp lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động khác để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; có cơ chế đặc thù để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, thôn, buôn vừa đưa ra khỏi xã, thôn, buôn khó khăn, đặc biệt khó khăn; trước mắt, xem xét, bố trí nguồn lực để đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng này…

Theo https://phuyen.gov.vn/