Phú Yên: Sớm tháo gỡ khó khăn cho người dân các xã không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025

05/07/2021 10:43 AM


Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu lực từ ngày 4/6/2021, Phú Yên có 22 xã với 31.417 người (tương ứng 3,5% dân số) bị tác động và không được thụ hưởng chính sách này. Việc thực hiện Quyết định này sẽ tác động tới nhiều người, đặc biệt là những người đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo diện BHYT chi trả.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 phê duyệt đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ,  tỉnh Phú Yên có 127.627 người (chiếm 14,6% dân số) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cấp thẻ BHYT. Hàng năm, bình quân có khoảng 365.569 lượt người được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Việc thực hiện chính sách này đã được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả; theo đó, đã tạo được sự đồng thuận, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội của các cấp, các ngành.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên hiện nay, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025,  tỉnh Phú Yên hiện chỉ còn 23 xã với 96.210 người được thụ hưởng chính sách. So với Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017  thì toàn tỉnh có 22 xã với 31.417 người (tương ứng 3,5% dân số) bị tác động và không được thụ hưởng chính sách này.

Trong thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư và thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các điều kiện giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe cho người dân..., nhưng cơ cấu kinh tế tại khu vực này vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên; đặc biệt, thiên tai hạn hán, lũ lụt xảy ra và dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay đã trực tiếp ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình cả tỉnh; nhiều nguy cơ tái nghèo, ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nếu không được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT, giảm tác động lớn tới việc thực hiện các chính sách về chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, để có thêm thời gian thực hiện các hoạt động truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội về một chính sách mới của Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên báo cáo và đề nghị Ủy ban Dân tộc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người dân tại các xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn bị tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg đến hết 31/12/2021.

Trong thời gian chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động toàn dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT, đảm bảo độ bao phủ BHYT theo chỉ tiêu Chính phủ giao hàng năm.

BHXH tỉnh hiện đang phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền tới người dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện; đồng thời, đề xuất những chính sách hợp lý hỗ trợ cho những đối tượng thực sự khó khăn cần có sự giúp đỡ của cộng đồng./.

Lại Thị Lương