Phát huy truyền thống vẻ vang, viết tiếp những trang sử hào hùng

01/04/2021 07:08 AM


Cùng với sự phát triển chung của tỉnh Phú Yên, TP Tuy Hòa ngày càng được đầu tư phát triển. Ảnh: NGỌC THẮNG

Ngày 1/4/2021, toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, những người con xa quê của Phú Yên quy tụ về vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử “đất Phú trời Yên” để bày tỏ sự ngưỡng vọng, lòng biết ơn công lao của các thế hệ cha ông đã dày công khai phá, tạo dựng và phát triển vùng đất này trong suốt chiều dài hơn 4 thế kỷ qua. Đây cũng là dịp để chúng ta khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Lịch sử đã ghi, mùa xuân năm 1597, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh - Nghệ, Thuận - Quảng theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả định cư lập nghiệp. Từ những triền núi phía tây đến vùng châu thổ sông Cái, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch hình thành các điểm dân cư.

Với tinh thần đoàn kết gắn bó, các dân tộc anh em đã đồng lòng xây dựng, phát triển nơi này thành vùng đất trù phú, với địa thế có núi, có sông, có đồng, có biển, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa của các dân tộc đan xen, giao thoa tạo nên sức mạnh cộng đồng của dân tộc. Đó là cơ sở để chúa Nguyễn Hoàng quyết định thành lập phủ Phú Yên với 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611.

Kiên cường, bất khuất

Trải qua 410 năm hình thành và phát triển, vùng đất và con người Phú Yên đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử của dân tộc. Các dân tộc chung sống trên quê hương Phú Yên đã đoàn kết, làm nên lịch sử của một vùng đất kiên cường, bất khuất. Phú Yên từng là căn cứ của phong trào nông dân Tây Sơn.

Từ hào khí “thà chịu chết chứ không chịu nhục” của người anh hùng Lê Thành Phương, phong trào Cần Vương ở Phú Yên dưới sự lãnh đạo của các chí sĩ yêu nước như Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ… đã tiếp tục dấy lên mạnh mẽ. Với tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, quyết giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhiều người con ưu tú của Phú Yên đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương mình.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 5/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên cũng được thành lập. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở Phú Yên đã kề vai, sát cánh hưởng ứng mạnh mẽ các cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng giai đoạn 1930-1931 ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; cao trào cách mạng giai đoạn 1936-1939 đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình cơm áo và chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc và cao trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939-1945, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Tiếp đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục lập nên những chiến công vang dội, từ đánh bại chiến dịch Át-lăng đến Đồng khởi Hòa Thịnh, từ giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến mở bến Vũng Rô đón những con tàu Không số huyền thoại, từ chiến thắng Gò Thì Thùng đến Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến thắng Đường 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Biểu diễn nghệ thuật mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới. Ảnh: PV

Ra sức thi đua xây dựng quê hương

Chúng ta tin tưởng rằng, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đảng bộ tỉnh Phú Yên sẽ lãnh đạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, hướng tới xây dựng một Phú Yên phú cường và yên bình, một Phú Yên giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, một Phú Yên mà ở đó, sự phát triển không để lại ai ở phía sau.

Từ năm 1975 đến nay, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quê hương, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 32 năm tái lập tỉnh, nền kinh tế liên tục phát triển với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 1990-2020 đạt khoảng 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu GRDP; ngành nông - lâm - thủy sản được đầu tư phát triển theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

GRDP bình quân đầu người từ 3,43 triệu đồng năm 1990, tăng lên 52,9 triệu đồng vào năm 2020, tăng gấp 15,4 lần so với năm 1990. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng theo từng năm (năm 1990 khoảng 150 tỉ đồng, đến năm 2020 đạt 81.000 tỉ đồng). Thu ngân sách nhà nước từ 29 tỉ đồng vào năm 1990 lên 7.034 tỉ đồng vào năm 2019. Tỉnh cũng đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhất là các tuyến đường động lực ven biển, Khu kinh tế Nam Phú Yên, trục dọc miền Tây nối với các tỉnh Tây Nguyên..., đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thu hút đầu tư vào tỉnh: đã hình thành 1 khu kinh tế, 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 21.400ha, thu hút trên 140 dự án đầu tư và trên 3.500 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc. Từ một tỉnh chỉ có 1 thị xã và 6 huyện, đến nay có 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện trực thuộc tỉnh. Hiện nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, xe ô tô có thể đến được hầu hết các thôn, buôn, kể cả các xã miền núi, đặc biệt khó khăn; 100% thôn, buôn, khu phố có điện lưới quốc gia; sóng viễn thông phủ kín toàn tỉnh; có 58/83 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dịch vụ vận tải có những chuyển biến tích cực, nhất là nâng cấp, sửa chữa sân bay Tuy Hòa và mở các tuyến bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại; hoạt động dịch vụ du lịch đang chuyển mình hướng tới trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Hệ thống giáo dục của tỉnh từng bước được hoàn chỉnh; quy mô giáo dục được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, mạng lưới trường, lớp học được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, lầu hóa và phân bố rộng khắp; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao... Đến nay các thôn, buôn, xã đều có cơ sở nhà trẻ - mẫu giáo, trường tiểu học; liên xã có trường trung học cơ sở và ở huyện có trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi… Hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; mạng lưới y tế cơ sở cấp xã được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,5%. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực; tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên. Phú Yên đã thoát khỏi tỉnh nghèo, vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước ngày càng được nâng lên, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc phát triển trong những năm đến. 

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển, trong khí thế bước vào thập niên mới, năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống quý báu và thành tựu đạt được trong những năm qua, nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là về kinh tế biển, gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh”.

Theo http://www.baophuyen.com.vn/