Tuyến ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô: “Đường cao tốc” đến tương lai của Phú Yên

01/09/2020 02:26 PM


Được chuẩn bị từ gần 20 năm trước, tuyến ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô đã khẳng định vai trò quan trọng mang tính động lực. Đồng thời, đây cũng là minh chứng thể hiện tầm nhìn và khát vọng của tỉnh Phú Yên trong việc kết nối liên hoàn hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển đô thị Nam Tuy Hòa với tầm nhìn hướng biển và đô thị sân bay.

Những dự án hạ tầng đang triển khai ngay đầu tuyến Tuy Hòa - Vũng Rô báo hiệu giai đoạn bùng nổ đầu mới của tỉnh Phú Yên theo tuyến ven biển này.

Chạy đà từ những dự án lớn

Để dễ hình dung, xin được mô phỏng hình tam giác với đáy là tuyến Hùng Vương (TP. Tuy Hòa), hai cạnh bên là Quốc lộ 1 và đường ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô, còn đỉnh là vị trí hợp nhất giữa Quốc lộ 1 và tuyến ven biển ngay cửa hầm đường bộ Đèo Cả. Phần diện tích bên trong tam giác bao gồm một phần diện tích TP. Tuy Hòa và huyện Đông Hòa. Trong tổng diện tích này, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để hình thành các khu công nghiệp Hòa Hiệp I, Hòa Hiệp II; sân bay Tuy Hòa, cảng Bãi Gốc, cảng Vũng Rô…

“Nhờ có hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và liên kết thuận lợi, chặt chẽ với Khánh Hòa, Tây Nguyên, nên Khu kinh tế Nam Phú Yên, với trọng tâm là tuyến ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô, đã và đang trở thành tuyến động lực để Phú Yên quy hoạch, kêu gọi các dự án đô thị, dịch vụ quy mô, hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển”, ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết.

Xác định là tuyến động lực, nên những năm qua, tuyến ven biển dài hơn 35 km chạy dọc từ Tuy Hòa vào Vũng Rô là “của để dành” mà tỉnh Phú Yên muốn nhắm tới những dự án quy mô, xứng tầm, hiện đại và phù hợp với định hướng quy hoạch, kêu gọi đầu tư của tỉnh. Và không để những ước mong đó chờ đợi lâu, những nỗ lực của Phú Yên đang dần được đền đáp khi gần đây xuất hiện các nhà đầu tư uy tín mang theo những tâm huyết đầu tư bằng những ý tưởng táo bạo và quyết định cụ thể.

Những tiếng “gõ cửa” đã bắt đầu vang lên, “cánh cửa” vào tuyến ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô đã thực sự rộng mở. Trong một tương lai gần, ở phía Nam, ngay trước khi qua hầm Đèo Cả, du khách sẽ bắt gặp khu đô thị hiện đại, hào nhoáng, lung linh nhưng đậm chất sinh thái. Ở đó là sân golf 18 lỗ, tượng đài, cáp treo, những tòa condotel, biệt thự nghỉ dưỡng trên bờ, nổi trên mặt nước… Hay lạc vào những trầm tích văn hóa và thấm đẫm lịch sử hào hùng của Hoàng thành Thăng Long, Quảng trường Trống Đồng, cầu kính ngắm phong cảnh tại núi Đá Bia sừng sững…

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên không giấu niềm vui khi chia sẻ những hạng mục công trình đó thuộc Dự án Khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia mà UBND tỉnh vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

“Mục tiêu lập quy hoạch cụ thể hóa Đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, khai thác những lợi thế và cảnh quan thiên nhiên, điểm di tích, quỹ đất phát triển sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch và dịch vụ, tạo cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 và thu hút nguồn lực đầu tư, xác định các dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị và khu du lịch sinh thái, đầu tư đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt”, ông Thành chia sẻ.

Nếu phía Nam có dự án Biển Hồ - Đá Bia, thì phía Bắc tuyến ven biển Vũng Rô - Tuy Hòa sẽ là cảng hàng không sôi động, hậu cần vững chắc, đầy đủ và các cơ sở thương mại với hệ thống hạ tầng giao thông, các cụm doanh nghiệp dịch vụ thương mại và ngành công nghiệp hàng không được hưởng lợi nhờ gần sân bay. Đây không chỉ là là trạm trung chuyển hàng hóa, mà còn là một thành phố thu nhỏ với các dịch vụ tiện ích đi kèm...

Dự án trên đang được Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất đầu tư, có tên thương mại là Tổ hợp Khu đô thị sân bay Tuy Hòa (Airport City).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương, đây là ý tưởng táo bạo và phù hợp với mong muốn của tỉnh Phú Yên, đó là kêu gọi và thu hút những dự án đột phá để đưa Khu kinh tế Nam Phú Yên phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.

Để ý tưởng quy hoạch dự án này phù hợp với quy hoạch của tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương cho biết, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng phối hợp với nhà đầu tư cung cấp các thông tin cần thiết để giúp nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất quy hoạch dự án phù hợp, hài hòa với quy hoạch của Phú Yên và quy hoạch liên vùng.

Sẵn sàng lên “cao tốc”

Nói Phú Yên đang ở giai đoạn phát triển đồng bộ nhất để có thể sẵn sàng bứt phá trong giai đoạn phát triển mới cũng không có gì là quá, nếu nhìn vào thực tế những thay đổi to lớn của Phú Yên trong những năm gần đây với tầm nhìn quy hoạch đô thị, hạ tầng và quản lý quy hoạch để nhiều dự án lớn đang triển khai. Hạ tầng có lẽ là khâu đột phá mà Phú Yên đã tập trung đầu tư để tạo ra những hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế.

Với lợi thế sở hữu cảng nước sâu Bãi Gốc, Vũng Rô, tuyến ven biển, sân bay Tuy Hòa ngay trong lòng thành phố và những nỗ lực hoàn thiện khung quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư, quản trị Dự án, thương hiệu hội nhập ở các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó ưu tiên đầu tư về đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, chúng tôi hy vọng, việc tiến lên “cao tốc” của tỉnh Phú Yên sẽ sớm thành hiện thực.
Điều đó được ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên khái quát: “Các tuyến giao thông đối ngoại đã khai thông thế bế tắc từ khi ngọn đèo Cả phía Nam và đèo Cù Mông phía Bắc được chinh phục; bầu trời đã rộng mở và kết nối với sân bay Tuy Hòa đang tiếp tục có kế hoạch được nâng cấp mở rộng và chuẩn bị đón các chuyến bay quốc tế từ các quốc gia châu Âu; các tuyến ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu, Tuy Hòa - Vũng Rô được đầu tư hoàn chỉnh làm cơ sở cho tỉnh Phú Yên quy hoạch và mở rộng không gian đô thị Tuy Hòa về phía Nam và mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch, kéo theo giá trị 
bất động sản; ngược lên Tây Nguyên, các quốc lộ 25, 29 cũng đang được đầu tư hoàn thành từng giai đoạn để mở ra cơ hội thông thương hàng hóa với Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Thái Lan...”.

Trong khi đó, với giao thông đối nội, đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các dự án: Đường giao thông phục vụ Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu - Khu vực 2; Tuyến nối Quốc lộ 1A (Đông Mỹ đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp - giai đoạn I); Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà; Tuyến nối Quốc lộ 1A đến Khu xử lý rác thải, nước thải và chất thải nguy hại của Khu kinh tế Nam Phú Yên; Hạ tầng Khu tái định cư Hòa Tâm; Hạ tầng Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa (giai đoạn I); San nền Khu tri thức và đầu tư đoạn đường số 6, đoạn đường Phan Chu Trinh thuộc Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa...

Những nỗ lực của địa phương và hỗ trợ từ Trung ương đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến với Phú Yên tìm kiếm cơ hội làm ăn. Theo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên, doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu kinh tế khu công nghiệp năm 2019 ước đạt 6.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 7.700 lao động, chủ yếu tại các khu công nghiệp Hòa Hiệp I, Hòa Hiệp II trong Khu kinh tế Nam Phú Yên mà lợi thế nhờ có tuyến ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô.

Theo ông Phạm Đại Dương, là tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tuyến ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô và huyện Đông Hòa được xác định là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Theo https://phuyen.gov.vn/