Tháo gỡ vướng mắc, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

26/08/2015 02:52 PM


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực đã làm cho việc thu BHYT gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Namđã có văn bản điều chỉnh thu BHYT, tạo điều kiện cho người dân đã tham gia được tiếp tục tham gia. Đây là sự điều chỉnh trước mắt nhằm hướng đến BHYT toàn dân vào năm 2016.

NHỮNG VƯỚNG MẮC 

Hộ khẩu nhà ông Nguyễn Văn Thường (thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) có tất cả 6 người gồm: mẹ, vợ chồng anh Thường, 2 đứa con và người em út chưa có gia đình. Em trai anh Thường đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh nên không tham gia BHYT tại địa phương. Còn mẹ anh Thường đã lớn tuổi (SN 1958) nên anh Thường muốn tham gia cho mẹ để phòng khi đau ốm. Thế nhưng, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực (1/1/2015) nếu muốn tham gia BHYT cho một người trong gia đình thì tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu (trừ những người được ngân sách Nhà nước hỗ trợ) đều phải tham gia với tổng mức đóng gần 2 triệu đồng. Đối với gia đình làm nông như nhà anh Thường, số tiền này là không nhỏ, vì vậy anh không tham gia. 

 

Anh Thường cho biết: “Tham gia BHYT là để những lúc ốm đau bệnh tật có nguồn hỗ trợ chi trả. Chúng tôi vẫn biết nếu có điều kiện để tham gia cho cả gia đình thì vẫn tốt hơn. Thế nhưng, trong tình hình kinh tế còn eo hẹp như hiện nay thì việc cùng một lúc phải bỏ ra số tiền lớn để tham gia BHYT cho cả gia đình, đối với tôi là rất khó”. 

 

Ngoài khó khăn về kinh tế, người dân khi muốn tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình. Việc này đối với các gia đình có thành viên đi làm ăn xa hoặc đi nước ngoài không thực hiện khai báo tạm vắng tại nơi cư trú là rất khó khăn. Mặt khác, nhiều hộ gia đình có người không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú nhưng lại không có cơ sở để loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng gây phiền hà cho người dân khi làm thủ tục tham gia BHYT. Vì phát sinh nhiều vướng mắc như trên nên việc người dân tiếp cận với BHYT gặp khó khăn, dẫn đến số người tham gia BHYT trong năm 2015 giảm đáng kể. 

 

Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), trong 3 tháng đầu năm 2015, số người tham gia BHYT đã giảm tới 1,2 triệu người. Trong đó, số đối tượng trong các hộ gia đình tham gia BHYT giảm tới 15%. Còn tại BHXH TP Tuy Hòa, một trong những đơn vị làm tốt việc thu BHYT của tỉnh thì khi áp dụng quy định mới trong việc thu BHYT, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn thành phố trong 2 tháng đầu năm 2015 sụt giảm đáng kể. Cụ thể, trong tháng 2/2014 có 2.658 người dân tham gia BHYT thì sang tháng 2/2015 con số này là 2.038 người.

 

ĐỂ HƯỚNG ĐẾN BHYT TOÀN DÂN

 

Theo ông Phạm Lê Hoài, Phó giám đốc BHXH TP Tuy Hòa, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc thu BHYT, mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố về một số nội dung thu BHYT.

 

Theo đó, “Đối với hộ gia đình tham gia BHYT quy định tại khoản 5, Điều 1 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1/1/2015 tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia BHYT, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Từ ngày 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình… Trong thời gian chờ UBND xã, phường, thị trấn lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, từ ngày 1/1/2015 đến trước ngày 1/10/2015 khi hộ gia đình tham gia BHYT thì lập biểu theo mẫu D01-HGĐ”. 

 

Như vậy, đến ngày 1/1/2016, những người đã từng tham gia BHYT trước ngày 1/1/2015 vẫn tiếp tục được gia hạn để tham gia tiếp mà chưa bắt buộc phải tham gia cho cả gia đình. Đây là sự nới lỏng quy định nhằm giúp những cá nhân đã tham gia BHYT tiếp tục được tham gia, đồng thời tạo điều kiện về mặt thời gian để người dân có sự chuẩn bị về kinh tế vì từ ngày 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Bên cạnh sự nới lỏng quy định, các thủ tục tham gia BHYT cũng được đơn giản hóa. Theo ông Phạm Lê Hoài, hiện nay, khi tham gia BHYT, người dân chỉ cần đến duy nhất một địa điểm UBND phường, xã để kê khai theo mẫu D01-HGĐ. Sau kê khai, UBND phường, xã xác nhận là đã có thể tham gia BHYT. Tuy nhiên, sự nới lỏng quy định này cũng chỉ được thực hiện tạm thời.

 

Như vậy có thể thấy, một phần rất lớn những đối tượng khó khăn đều được Nhà nước hỗ trợ đóng phí BHYT, phần còn lại là những người có điều kiện tương đối để tham gia BHYT theo hộ gia đình. Vì vậy, tham gia BHYT theo hộ gia đình chính là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng; là sự sẻ chia với những người yếu thế trong xã hội; góp phần đảm bảo an sinh xã hội và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. 

 

Về lâu về dài cần phải làm cho người dân hiểu mục đích của việc tham gia BHYT theo hộ gia đình chính là để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Và để khuyến khích người dân tham gia BHYT, Nhà nước đã quy định số tiền đóng phí BHYT được giảm từ người thứ 2 trong gia đình trở đi (giảm lần lượt còn 70%, 60% và 50% so với mức đóng của người thứ nhất). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có các phương án để hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT cho nhiều đối tượng. Cụ thể, đang có 13 nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: Trẻ em dưới 6 tuổi; người nghèo; thân nhân người có công; cán bộ xã, phường nghỉ hưu… Ngoài ra còn có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ một phần tiền mua thẻ.

 

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)

 

Theo PYO