Thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ ngày 1/1/2025
05/12/2024 02:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là bảo hiểm TNLĐ tự nguyện).
Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bắt buộc về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện.
Nghị định này quy định 2 chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện chính là giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp TNLĐ.
Theo Nghị định, người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm này nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm, và không thuộc các trường hợp không được hưởng các chế độ TNLĐ như do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Nghị định quy định rõ quy trình giám định mức suy giảm khả năng lao động, theo đó người lao động có thể chủ động đi giám định hoặc giám định lại khi thuộc một trong những trường hợp: sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định; sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định; đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Cơ quan sẽ chi trả phí giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
Về trợ cấp TNLĐ, Nghị định quy định mức trợ cấp một lần dành cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do TNLĐ. Cụ thể, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động sẽ được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng vùng IV, và cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần lương tối thiểu. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm, từ 0,5 lần lương tối thiểu vùng IV cho năm đầu tiên và tăng thêm 0,3 lần cho mỗi năm tiếp theo.
Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ TNLĐ là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị TNLĐ; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về trường hợp người lao động bị chết do TNLĐ. Trong trường hợp này, thân nhân của nạn nhân sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần lương tối thiểu vùng IV nếu thuộc một trong những trường hợp sau: người lao động đang làm việc bị chết do TNLĐ; người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ; người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do TNLĐ mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp này được tính tại tháng người lao động bị chết.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...
Danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng.