Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
12/11/2024 07:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế như: Việc huy động thuốc y tế, cấp giấy phép/chứng chỉ hành nghề KCB, thực trạng quản lý mặt hàng thực phẩm chức năng, công tác phòng chống thuốc lá…
Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép
Báo cáo trước Quốc hội liên quan nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay Bộ và Sở Y tế các địa phương đã cấp 66.795 giấy phép hoạt động và 637.519 giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực KCB (chưa bao gồm giấy phép do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp). Trong đó, số lượng hồ sơ cấp giấy phép hoạt động tại Bộ Y tế chiếm chưa đến 1,5% tổng số giấy phép hoạt động trên toàn quốc (795 hồ sơ). Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã cấp mới 28 giấy phép hoạt động cho các BV tư nhân; cấp 57 quyết định điều chỉnh giấy phép hoạt động do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, thay đổi quy mô hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, việc cấp giấy phép/chứng chỉ hành nghề lĩnh vực KCB vẫn còn tồn tại. Cụ thể như: Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên và sâu sát, chưa huy động được các cấp chính quyền, cơ quan liên quan và nhân dân cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động KCB tư nhân. Chậm chuyển đổi số do vướng mắc trong vấn đề xây dựng và thẩm định giá, khó khăn trong thực hiện công tác đấu thầu, thiếu nguồn lực để triển khai nâng cấp các phần mềm…
Tham gia chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, cử tri ngành Y tế rất bức xúc liên quan tới nơi cấp giấy phép hành nghề KCB. Theo đó, người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tại bất kỳ địa phương nào, dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở KCB trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau. Vì vậy, ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép và đứng tên một cơ sở KCB theo quy định của pháp luật.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Nghị định số 96 liên quan tới việc cấp giấy phép hành nghề, đã có các quy định một người hành nghề chỉ có một giấy phép. Hiện nay, chúng ta đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép của người hành nghề. Trước đây, Bộ Y tế cũng đã có phần mềm quản lý người hành nghề KCB trên toàn quốc và đến thời điểm này đã có 430.000 người đã được đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 người hành nghề.
Tuy nhiên, hệ thống này được xây dựng từ năm 2015 trên cơ sở hệ thống đóng, nên Bộ Y tế đang điều chỉnh các nội dung để nâng cấp phần mềm này. Trên cơ sở nâng cấp phần mềm và kết nối với hệ thống DVC trực tuyến của các địa phương, hệ thống DVC trực tuyến của quốc gia, cũng như sử dụng các hệ thống CSDL quốc gia, Bộ Y tế đang triển khai các giải pháp để có hệ thống thống nhất trên toàn quốc. Khi đó, lãnh đạo các cấp và y tế của các địa phương đều có thể tham khảo và nắm được những thông tin về người hành nghề để quản lý theo đúng quy định.
Sẽ sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Liên quan vấn đề thiếu thuốc chữa bệnh trong các nhà thuốc BV, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, các cơ sở y tế vẫn còn gặp khó khăn trong đấu thầu thuốc, dẫn đến việc nhiều người dân đi khám bệnh xong nhưng chưa mua được thuốc tại các nhà thuốc. “Vậy, giải pháp thời gian tới của Bộ Y tế như thế nào?”- ĐB Thủy đặt câu hỏi.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ có nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, nhất là thông qua Luật Đấu thầu năm 2023. “Nhà thuốc BV do bệnh viện quản lý và tổ chức mua lẻ để bán cho người dân khi có nhu cầu, không liên quan đến tiền ngân sách hay quỹ BHYT. Trước đây, việc mua sắm hoàn toàn do BV quyết định; tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 quy định nhà thuốc BV cũng phải đấu thầu mua sắm thuốc, nên đang gặp khó khăn trong vấn đề mua sắm. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tới đây được thông qua sẽ tháo gỡ những vướng mắc này”- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Trả lời tranh luận của ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) về việc “cơ chế chính sách đã ban hành đầy đủ, nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra, có phải do cán bộ làm công tác này thiếu tinh thần trách nhiệm”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế phân làm 3 cấp (tập trung tại Bộ Y tế, cấp tỉnh do các địa phương tổ chức và các cơ sở y tế). Quốc hội đã tháo gỡ nhiều vướng mắc và Bộ Y tế thường xuyên có văn bản hướng dẫn.
Thông qua nắm bắt, Bộ Y tế thấy có mấy nguyên nhân: Văn bản quy định mới nên việc bố trí nhân lực còn khó khăn, nên Bộ Y tế đang xây dựng cẩm nang đấu thầu thuốc và sẽ hướng dẫn từng bước để địa phương thực hiện. “Thực tiễn cũng có cán bộ chưa dám nghĩ dám làm, nên quá trình triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn khó khăn. Bộ Y tế đã có chỉ thị gửi các cơ sở KCB cũng như trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, ngành Y tế mong Giám đốc các cơ sở KCB tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ này để đảm bảo thuốc KCB cho người dân”- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...
Danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng.