Việt Nam và Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực An sinh xã hội: Đồng hành hướng tới tương lai
25/10/2023 07:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm đánh dấu sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), tiếp tục góp phần vun đắp cho quan hệ giữa 2 nước Việt Nam- Nhật Bản lên tầm cao mới trên tinh thần “chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả”, ngày 24/10, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT khu vực phía Bắc năm 2023.
Tham dự Hội nghị về phía BHXH Việt Nam có: ông Nguyễn Thế Mạnh- Tổng Giám đốc; ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Về phía các bộ, ngành có: Ông Nguyễn Minh Vũ- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Về phía Nhật Bản có: Ông Yamada Takio- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Sasaki Shohei- Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Kinoshita Tadahiro- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; ông Yoshida Susumu- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; ông Ueda Masaya- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM; ông Tokuaki Shobayashi- chuyên gia Cố vấn chính sách y tế, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản và đại diện 130 DN FDI Nhật Bản tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT giữa BHXH Việt Nam và các DN Nhật Bản được tổ chức nhằm tiếp tục tạo sự gắn kết, đồng thuận, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa BHXH Việt Nam và các DN Nhật Bản đang hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT của Việt Nam...
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, Năm 2023 đánh dấu sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt Nam- Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023). Có thể nói, quan hệ Việt Nam- Nhật Bản luôn được Lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, bền chặt trên tinh thần như Thủ tướng Chính phủ đã nêu: “chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả”. Đây là thời điểm thuận lợi đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam; là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 5.000 dự án đầu tư có tổng số vốn đạt gần 70,97 tỷ USD. Hiện có hơn 2.100 doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là 547.100 người, trong đó có 545.500 lao động Việt Nam, 1.600 lao động nước ngoài; số thu BHXH chiếm hơn 13% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn do đại dịch và hậu đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp FDI trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động; đóng góp quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam, trong đó có chính sách pháp luật về BHXH, BHYT.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chính sách BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực cải cách, đổi mới và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân, DN. Theo đó, đến tháng 9/2023, BHXH Việt Nam đang phục vụ hơn 92% dân số và 17,5 triệu người tham gia BHXH chiếm gần 40% LLLĐ.
“Trong dòng chảy của tiến trình hội nhập quốc tế về lao động, an sinh xã hội và dịch chuyển lao động trong khu vực, ngày càng có nhiều NLĐ Nhật Bản sang làm việc ở Việt Nam và NLĐ Việt Nam đến làm việc ở Nhật Bản. Trong xu thế đó, chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ nước ngoài tại Việt Nam nằm trong tổng thể chính sách an sinh xã hội cho NLĐ cần được bảo đảm một cách tốt nhất. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và DN hai nước”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, từ năm 2018 đến nay, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tổ công tác về Hiệp định BHXH Việt Nam- Nhật Bản trao đổi thông tin và tình hình thực hiện chính sách BHXH tại mỗi nước, dự kiến lộ trình, xây dựng hiệp định mẫu và các thủ tục tiếp theo trước khi hai nước chính thức khởi động đàm phán Hiệp định song phương về BHXH. Đây chắc chắn sẽ là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân 2 quốc gia.
"Tiếp nối thành công của Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản khu vực phía Nam tổ chức vào tháng 10/2022, Hội nghị hôm nay được tổ chức với mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, ủng hộ, đồng thuận, đồng hành của doanh nghiệp Nhật Bản với BHXH Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu chung nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động Việt Nam và Nhật Bản - nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của mỗi doanh nghiệp FDI và nền kinh tế Việt Nam, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chủ đề “Đồng hành và Phát triển” tổ chức ngày 16/10/2023 vừa qua với quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam- Nhật Bản, hợp tác giữa BHXH Việt Nam và các đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực an sinh xã hội, thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hai bên đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác đa dạng, thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển ngành BHXH Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hiệu quả theo các chuẩn mực quốc tế.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ
Các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách an sinh xã hội, BHXH, kinh nghiệm thực hiện các hiệp định song phương về BHXH đã và đang được thúc đẩy tích cực. “Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT với DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam là cơ hội để các DN Nhật Bản nắm rõ và hiểu hơn về hệ thống và quy định pháp luật về an sinh xã hội, BHXH, BHYT của Việt Nam, qua đó giúp xây dựng, củng cố niềm tin, sự an tâm của DN đối với thể chế, chính sách và quy định của pháp luật nói chung và trong lĩnh vực BHXH nói riêng. Đây cũng là dịp để nhà đầu tư Nhật Bản trình bày các ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách về BXHH, qua đó tạo điều kiện để DN kinh doanh, đầu tư lâu dài, bền vững, ổn định tại Việt Nam và bảo đảm quyền lợi của NLĐ”- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị: “BHXH Việt Nam thúc đẩy việc trao đổi với các đối tác Nhật Bản để sớm kết Hiệp định BHXH song phương trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng DN Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản”.
Nồng nhiệt chúc mừng Hội nghị đối thoại với các DN Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT được tổ chức long trọng với sự tham gia đông đảo các công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động tại khu vực phía Bắc, ông Yamada Takio- Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: “Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản, mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản được cho là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay về mọi mặt, bao gồm chính trị, kinh tế và văn hóa. Về mặt kinh tế, rất nhiều nước đang quan tâm đến Việt Nam, quốc gia tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát gần đây nhất của JETRO đối với các công ty có trụ sở chính tại Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ với vai trò là quốc gia và vùng lãnh thổ mà các công ty Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sản xuất và kinh doanh trong tương lai, nếu chỉ giới hạn trong các công ty lớn thì Việt Nam đang ở vị trí thứ nhất”.
Ông Yamada Takio- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam
Trên thực tế, số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên hàng năm và đến năm 2023, số lượng công ty thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã lên tới khoảng 2.000 (1.990 công ty thành viên, trong đó, có 788 công ty tại miền Bắc, 1.045 công ty tại miền Nam, và 157 công ty tại miền Trung), và trở thành Hiệp hội DN Nhật Bản tại nước ngoài lớn nhất trong khối ASEAN và đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Tại Việt Nam, nhận thức về bảo vệ quyền lợi của NLĐ ngày càng được nâng cao. Cùng với sự gia tăng của hoạt động đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam, điều quan trọng là các công ty Nhật Bản cần phải hiểu và áp dụng các chế độ BHXH của Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích cho NLĐ tại công ty mình.
“Tại Hội nghị đối thoại ngày hôm nay, tôi mong rằng các DN Nhật Bản hiểu sâu hơn về chính sách BHXH của Việt Nam và cũng rất mong BHXH Việt Nam hãy lắng nghe tiếng nói của các công ty Nhật Bản để trong thời gian tới có thể vận dụng được các chính sách BHXH hoàn thiện hơn nữa”- ông ông Yamada Takio nói.
Khai trương ứng dụng VssID-BHXH phiên bản Tiếng Nhật
Tại Hội nghị, BHXH Việt Nam đã khai trương VssID-BHXH số phiên bản tiếng Nhật nhằm giúp các bạn Nhật Bản có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID, từ đó tạo sự lan tỏa rộng khắp đến các cấp quản lý và NLĐ trong các DN, qua đó hỗ trợ NLĐ, DN FDI Nhật Bản thuận lợi trong tra cứu thông tin và thực hiện các giao dịch điện với cơ quan BHXH.
Ngoài việc bổ sung, cập nhật và ngày càng hoàn thiện tính năng đa ngôn ngữ, ứng dụng VssID-BHXH số đã được bổ sung, cập nhật các tính năng mới như: Đã cung cấp 7 Dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng. Triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số để KCB BHYT thay cho thẻ BHYT. Cung cấp thông tin về thời gian đã đóng của các đơn vị SDLĐ để NLĐ chủ động nắm bắt thông tin, bảo vệ quyền lợi của bản thân. Cung cấp tính năng đăng nhập ứng dụng VssID-BHXH số bằng tài khoản định danh điện tử VNeID giúp NLĐ thuận tiện hơn trong việc sử dụng ứng dụng.
Việc khai trương ứng dụng VssID-BHXH số phiên bản Tiếng Nhật nâng cấp nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT của chuyên gia, NLĐ Nhật Bản đang làm việc, tham gia BHXH tại Việt Nam, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VssID và sử dụng nhiều tiện ích khác do BHXH Việt Nam cung cấp trên ứng dụng. Đặc biệt, VssID-BHXH số phiên bản tiếng Nhật nâng cấp được giới thiệu nhằm kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản (1973-2023).
Cũng tại Hội nghị, BHXH Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH Việt Nam cho cho ông Yamada Takio- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Sasaki Shohei- Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Kinoshita Tadahiro- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; ông Yoshida Susumu- Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; ông Ueda Masaya- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh; ông Tokuaki Shobayashi- Chuyên gia Cố vấn chính sách y tế, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển Ngành BHXH Việt Nam.
Đồng thời, khen thưởng 19 DN FDI Nhật Bản tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT năm 2023 gồm: Doanh nghiệp chế xuất NITORI Việt Nam; Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi-Hanel; Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam; Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; Công ty TNHH Canon Việt Nam; Công ty TNHH điện tử Foster Bắc Ninh; Chi nhánh Công ty Cổ phần Diana Unicharm Bắc Ninh; Công ty TNHH Nhựa chính xác Huimei; Công ty TNHH Một thành viên Yamashita Việt Nam; Công ty TNHH sản xuất Sanwa Việt Nam; Công ty TNHH Synztec Việt Nam; Công ty TNHH công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam; Công ty TNHH Rorze Robotech; Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso; Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam; Công ty TNHH điện tử UMC Việt Nam; Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam; Chi nhánh Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tại Hưng Yên; Công ty TNHH Vietinak.
Tại Hội nghị, ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ có phần trình bày tổng quan về các chính sách BHXH, BHYT tại Việt Nam và tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT của khối DN FDI nói chung, DN Nhật Bản nói riêng, cũng như tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác với Nhật Bản liên quan đến an sinh xã hội như: Dự án Xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chia sẻ tại Việt Nam (Dự án SHIP) được triển khai từ năm 2017 đến 2020 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Giai đoạn 2 Dự án hợp tác Sức khỏe toàn cầu và Bao phủ y tế toàn dân (2020-2023) do JICA tài trợ giúp BHXH Việt Nam nỗ lực hướng tới bao phủ y tế toàn dân. BHXH Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Các tổ chức nghiệp vụ thu bảo hiểm và chuyên gia tư vấn an sinh xã hội Nhật Bản (Sharoushi) tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Thực hiện Thỏa thuận quốc tế đã ký kết, BHXH Việt Nam và Tập đoàn NTT DATA Nhật Bản đã triển khai các hoạt động hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam…
Tính đến tháng 9/2023, số DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 24.141 đơn vị chiếm 5,45% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (tổng số 442.632 DN). Số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 4.621.794 người bằng 40,08% tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thuộc khối DN (tổng số 11.531.009 người). Số tiền thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 100.427 tỷ đồng bằng 46% tổng số thu của khối doanh nghiệp (tổng số thu khối DN 218.486 tỷ đồng). Số DN Nhật Bản tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 2.112 DN (giảm khoảng 10% so với năm 2022), bằng khoảng 8,75% tổng số DN FDI. Số người tham gia chỉ là 547.117 người (tương ứng giảm trên 1% so với năm 2022), trong đó có 545.504 người Việt Nam, 1.613 người Nhật Bản làm việc trong DN, bằng 11,84% số người trong DN FDI. Tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 13.084 tỷ đồng, bằng 13,03 % tổng số tiền thu của khối DN FDI.
Trong công tác giải quyết các chế độ BHXH, tính đến tháng 9/2023, theo tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố: tại các DN FDI trên toàn quốc, 9 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 4.079.175 lượt người. Trong đó tại các DN FDI 100% vốn Nhật Bản là 489.141 lượt người, chiếm 12%) với tổng số tiền gần 8.550 tỷ đồng; 247.932 người hưởng chế độ BHXH một lần với tổng số tiền gần 13.410 tỷ đồng; 1.932 người hưởng chế độ tử tuất với số tiền hơn 119 tỷ đồng; 1.426 người hưởng chế độ hưu trí với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực KCB BHYT, 9 tháng đầu năm 2023, NLĐ tham gia BHYT đang làm việc tại các DN FDI quản lý đã đi KCB BHYT với tổng số lượt là hơn 5,3 triệu lượt với chi phí là hơn 2,2 tỷ đồng. NLĐ tham gia BHYT đang làm việc tại các DN FDI Nhật Bản quản lý đã đi KCB BHYT với tổng số lượt là 625 nghìn lượt và chi phí là hơn 240 tỷ đồng…
Đánh giá việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp đối với DN FDI, ông Dương Văn Hào cho biết, về cơ chế chính sách Nghị định số 143/2018/NĐ-CP là cơ sở pháp lý cho việc thu BHXH đối với người nước ngoài là Việt Nam; BHXH Việt Nam chủ động rà soát, biện dịch biểu mẫu thu và giải quyết chế độ theo Quyết định số 166/QĐ- BHXH bằng Tiếng Anh và Tiếng Việt; đồng thời, đang tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định về BHXH với Nhật Bản tránh việc đóng song trùng.
Về tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành; tại địa phương, BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Sở, ngành thường xuyên đối thoại với các DN trong đó có DN FDI và FDI Nhật Bản. UBND các tỉnh, thành phố đều tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI vào làm việc trên địa bàn. Hầu hết các DN FDI nói chung và FDI Nhật Bản nói riêng đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện đúng quy trình thủ tục về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng BHXH của các DN FDI thấp nhất trong khối các DN ngoài quốc doanh.
Tại phần đối thoại của Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH); Lãnh đạo các Vụ, ban: Thực hiện chính sách BHXH, Quản lý Thu- Sổ, thẻ, Trung tâm Công nghệ Thông tin; Giám đốc BHXH TP.Hà Nội đã thảo luận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của đại diện các DN FDI Nhật Bản các vấn đề liên quan khâu tổ chức, thực hiện, với một số nội dung chính như việc đảm bảo quyền an sinh xã hội của NLĐ Nhật Bản tại Việt Nam theo Nghị định số 143; các TTHC liên quan đến cấp giấy phép hành nghề của lao động phái cử, KCB BHYT, giải quyết chế độ cho lao động nước ngoài có thời gian làm việc tại Việt Nam, tăng giảm mức đóng, hưởng các chế độ BHXH…
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, sau một thời gian trao đổi, hơn 20 ý kiến về thực hiện chế độ BHXH, BHYT nói chung, triển khai, thực hiện chính sách cho NLĐ của Việt Nam trong các DN FDI và NLĐ nước ngoài tại Việt Nam đã cơ bản được giải đáp: “Thông qua nội dung đối thoại, BHXH Việt Nam sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trong quá trình triển khai chính sách để phục vụ người dân, NLĐ, DN ngày một tốt hơn”.
Theo đó, với các nội dung liên quan trong thẩm quyền của ngành BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam tiếp thu các ý kiến tham gia, đề xuất, tiếp tục hoàn thiện các quy trình thủ tục nội bộ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN FDI nói chung, các DN FDI Nhật Bản nói riêng. Với các nội dung ngoài thẩm quyền, BHXH Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi các cơ quan hữu quan của Việt Nam xem xét, giải quyết… nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ khối FDI tại Việt Nam ngày càng tốt hơn, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển của các DN FDI và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...