Nhiều nội dung về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần sửa đổi
17/04/2023 03:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một trong những nội dung trọng tâm của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) là các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Sửa đổi chính sách này cần phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, một trong những định hướng lớn về sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới là quy định các vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Trước hết, sẽ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung đối tượng người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi): Tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Một số chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Về tư vấn, giới thiệu việc làm, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Bổ sung quy định về hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, kinh phí thực hiện phù hợp với định hướng sửa đổi Luật Giá.
Với nội dung trợ cấp thất nghiệp, sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, sửa đổi quy định liên quan chưa tìm được việc làm sau 15 ngày. Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bảo đảm phù hợp chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cũng theo ông Trần Tuấn Tú, nội dung về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng.
Cụ thể, đề xuất quy định người lao động đóng “tối đa” bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng “tối đa” bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm; giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động.
Phỏng vấn ứng viên tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng bổ sung một số nội dung mới về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể: Bổ sung các quy định cụ thể về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp; Sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; Mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: nguyên tắc đầu tư bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả và thu hồi khi cần thiết. Danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của quỹ ngắn hạn.
TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, chia sẻ, trong thị trường lao động, nếu chính sách việc làm giúp thị trường lao động vận hành, tạo việc làm,tăng việc làm bền vững, thì chính sách về bảo hiểm thất nghiệp là giá đỡ của thị trường lao động.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi thất nghiệp, giúp họ có một khoản tiền hỗ trợ trong cuộc sống lúc không có việc làm. Mục tiêu chính của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là giúp người lao động quay lại thị trường lao động một cách hiệu quả nhất. Quỹ dành cho người đang trong thị trường lao động, vì thế, được bố trí nằm ở hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là giảm sốc của thị trường lao động, giúp thị trường lao động vận hành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Tới hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc vượt mốc hơn 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt mục tiêu cụ thể về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ này được nâng lên khoảng 45% lực lượng lao động trong độ trong giai đoạn đến năm 2030.
Tới hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc vượt mốc hơn 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta năm 2022 đạt 51,7 triệu người. Như vậy, dư địa dành cho phát triển số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn rất lớn.
Về lâu dài, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) Trần Tuấn Tú nêu ra 5 giải pháp hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
Tiếp đó là tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Thêm vào đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chia sẻ, kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động-thương binh và xã hội.
Cuối cùng, cải tiến mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động.
Phương Chi
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...