Quỹ BHXH phát huy vai trò hỗ trợ NLĐ
30/09/2022 07:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 29/9, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe và thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tham dự Phiên họp.
Nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ
Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của NLĐ và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Chính phủ đã tiếp tục ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ quỹ BHXH: chính sách giảm mức đóng BH TNLĐ, BNN; chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách giảm mức đóng BH thất nghiệp cho người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ BH thất nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh điều hành Phiên họp
Cụ thể, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BH thất nghiệp. Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp. Ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngày 06/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tính đến ngày 31/12/2021: Thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho hơn 2,7 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 365 nghìn lao động với số tiền tạm dừng đóng là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng. Thực hiện giảm mức đóng vào quỹ BH TNLĐ, BNN cho hơn 375 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 11 triệu NLĐ với số tiền giảm là hơn 1,9 nghìn tỷ đồng. Giảm mức đóng vào Quỹ BH thất nghiệp cho hơn 346 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 11,3 triệu NLĐ với số tiền giảm đóng là hơn 2,1 nghìn tỷ đồng. Đã chi trả hỗ trợ bằng tiền cho hơn 12,9 triệu NLĐ với số tiền hỗ trợ khoảng hơn 30,8 nghìn tỷ đồng từ Quỹ BH thất nghiệp. Đã tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho NLĐ cho 1.387 lao động với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ NLĐ, ngành BHXH Việt Nam cũng đảm bảo công tác thường xuyên là phát triển người tham gia; đảm bảo công tác thu và chi trả các chế độ BHXH. Theo báo cáo, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết ngày 31/12/2021 là hơn 15,09 triệu người, tăng hơn 32,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương với mức tăng 0,22%), chiếm gần 33,55% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tiền thu BHXH bắt buộc trong năm 2021 là hơn 263,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương với mức tăng 0,7%). Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2021 của NLĐ là khoảng gần 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 1,5% so với năm 2020.
Trong năm 2021, Quỹ hưu trí, tử tuất đảm bảo chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, tăng 4,01% so với năm 2020, số tiền chi trả trong năm là hơn 131,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2020, số tiền đóng BHYT cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là hơn 5,84 nghìn tỷ đồng, tăng 7,22% so với năm 2020. Kinh phi chi trả trợ cấp một lần là hơn 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,74% so với năm 2020.
Quỹ BH TNLĐ, BNN cũng đã đảm bảo chi trả cho hơn 53,3 nghìn người hưởng trợ cấp hằng tháng, tăng 3,92% so với năm 2020, số tiền chi trả trong năm là 672 tỷ đồng, tăng 5,33% so với năm 2020. Số tiền chi trả trợ cấp một lần từ quỹ trong năm 2021 là 207 tỷ đồng, giảm 14,81% so với năm 2020. Quỹ ốm đau, thai sản đã chi trả cho hơn 7,7 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền chi trả là hơn 25,1 nghìn tỷ đồng, giảm 18,15% so với năm 2020.
Phát huy vai trò thanh tra, kiểm tra
Trong năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến NLĐ và DN gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trên cơ sở việc từng bước kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) trong lĩnh vực BHXH được thực hiện phù hợp, linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng CNTT… nhắc nhở, đôn đốc, thông báo đối chiếu đến các đơn vị.
Năm 2021, số cuộc TTKT trong lĩnh vực BHXH là 11.402 cuộc, tại 16.769 đơn vị, tăng 42% so với năm 2020. Kết quả đã phát hiện hơn 14 nghìn lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia, đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là khoảng 92,8 tỷ đồng; gần 28 nghìn lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là hơn 34,7 tỷ đồng; yêu cầu các đơn vị khắc phục số tiền nợ BHXH khoảng 2.537,8 tỷ đồng. Trong đó đã khắc phục trong thời gian TTKT là khoảng 893 tỷ đồng (đạt 35%); yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 9,545 tỷ đồng hưởng chế độ BHXH sai quy định. Qua công tác TTKT thì số lao động chưa tham gia, tham gia thiếu được phát hiện tăng 25% so với năm 2020; số lao động đóng thiếu mức đóng phát hiện được tăng 16% so với năm 2020... Kết quả TTKT đã có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng thu, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo vệ kịp thời quyền lợi cho NLĐ.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh báo cáo tại Phiên họp
Đồng thời, qua TTKT nhận thức của các tổ chức, đơn vị, cá nhân được nâng lên, việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về BHXH có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, góp phần đảm bảo thực hiện tốt chính sách ASXH. Số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành là 185 với số tiền xử phạt là 8,16 tỷ đồng, số tiền đã thu thông qua việc các đơn vị chấp hành quyết định xử phạt là 4,4 tỷ đồng (đạt 53%). Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2021 nhiều đơn vị rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, nên việc xử phạt về đóng BHXH, BH thất nghiệp với các đơn vị SDLĐ gặp khó khăn..
Đặc biệt, từ khi Ngành BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, hoạt động thanh tra đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2021, qua thanh tra tại 7.291 đơn vị đã phát hiện và yêu cầu truy thu 14.025 lao động chưa tham gia, thiếu thời gian với số tiền 92,8 tỷ đồng; 27.977 lao động đóng thiếu mức đóng với số tiền 34,7 tỷ đồng; thu hồi nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT số tiền 2,426 tỷ đồng trên tổng số nợ khi ban hành quyết định thanh tra là 2,537 tỷ đồng (đạt 95,6% so với số tiền nợ của các đơn vị trước khi có quyết định TTKT).
Khắc phục những tồn tại, hạn chế
Tại Phiên họp, nhiều đại biểu đã đánh giá cao việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, đồng thời cũng nhận định và phân tích những hạn chế trong việc thực hiện chính sách. Trong đó, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, DN. Mặt khác, một số địa phương, người SDLĐ chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến chính sách BHXH; một số giải pháp thực hiện nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được hiệu quả như công tác khởi kiện, xử lý hình sự...
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng chậm đóng BHXH còn khá phổ biến. Đặc biệt là đến cuối năm 2021 có hơn 29.500 đơn vị với khoảng 200.000 lao động tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn còn chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp. Số đơn vị và số nợ tồn tích từ nhiều năm và đây thực chất là các đơn vị SDLĐ không còn hoạt động, như vậy cần có giải pháp để bảo về quyền lợi NLĐ. Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cũng băn khoăn về việc xử lý hình sự tội danh liên quan đến BHXH nhưng đến nay chưa khởi tố được.
Trước thực trạng nợ BHXH, có ý kiến đại biểu đề xuất cần áp dụng phương thức nhắn tin đến người có chức năng của đơn vị SDLĐ để đơn vị được có ý thức trách nhiệm hơn với NLĐ…
Báo cáo giải trình với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đối với việc chậm đóng BHXH tính đến ngày 31/12/2021 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 10.233 tỷ đồng. Thời gian qua BHXH Việt Nam và các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ để có các phương án xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, từ tháng 1/2022, Bộ Công an và BHXH Việt Nam có quy chế phối hợp toàn diện. Ngày 14/9 vừa qua Bộ Công an và BHXH Việt Nam thống nhất có đoàn phối hợp giữa 2 ngành đi các địa phương để đôn đốc với 3 mục tiêu là thực hiện quy chế phối hợp, xử lý các vướng mắc và ngay từ ban đầu đưa ra những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm để xử lý. Thời gian đoàn công tác sẽ bắt đầu từ 4-18/10.
Về cách thức để thông tin tình trạng đóng BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết hiện nay ngành BHXH chuyển đổi số rất mạnh, trên 30 triệu người cài VssID và sẽ nắm được thông tin đóng BHXH, giám sát cùng các cơ quan nếu đơn vị chậm đóng cho NLĐ. Đồng thời, theo quy định 6 tháng cơ quan BHXH công khai danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, trong 1 năm cơ quan gửi cho từng NLĐ để biết tình hình tham gia. Song cơ quan BHXH cũng sẽ tiếp thu đóng góp gửi tin nhắn để có phương án tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tại Phiên họp
Đối với các DN phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất cần có giải pháp xử lý phù hợp. Bởi lẽ việc đòi là không khả thi, do đó cần phân loại ra và giao cho ngành BHXH cùng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Xã hội trình Quốc hội để xin ý kiến xử lý. “Chúng ta tính toán khoản nợ không có khả năng thu hồi khoảng trên 2.000 tỷ và lãi khoảng 900 tỷ. Theo tôi cần sử dụng kết dư các quỹ để giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi NLĐ”, ông Dung kiến nghị.
Phát biểu tại Phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chế độ chính sách BHXH trong thời gian qua, nhất là những nỗ lực lớn trong giai đoạn dịch bệnh để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ. Trong giai đoạn khó khăn, số người tham gia, số thu BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện năm 2021 có tăng lên so với năm 2020. Việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BH thất nghiệp cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Cạnh đó, bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng còn một số tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện chính sách BHXH như việc nhận BHXH một lần gia tăng; việc chậm đóng BHXH còn phổ biến làm ảnh hưởng quyền lợi NLĐ. “Các kiến nghị, đề xuất liên quan đến lĩnh vực BHXH sẽ được Ủy ban Xã hội tiếp tục nghiên cứu, xử lý nhất là các vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới. Với vấn đề chậm đóng, nợ đọng và trốn đóng BHXH, cần có giải pháp mạnh. Đến cuối năm 2022 phải đưa ra tòa một số vụ việc, mục đích là để thu hồi khoản chậm đóng để đảm bảo quyền lợi NLĐ và tác dụng răn đe với DN khác”, bà Anh nhấn mạnh.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...