BHXH Việt Nam: Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiệp vụ của Ngành
15/09/2022 07:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 14/9, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì cuộc họp Triển khai ứng dụng AI vào công tác giám định BHYT; nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; triển khai Đề án 06 và thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến hỗ trợ người dân, DN khi tương tác với cơ quan BHXH. Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh và một số thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu định hướng nội dung cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ, ứng dụng các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo); sinh trắc học; Big Data là những nội dung rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chính vì vậy, để triển khai, ứng dụng những công nghệ mới này vào nghiệp vụ của Ngành thì các đơn vị chuyên môn cần đưa ra những thảo luận, đề xuất, các kinh nghiệm quốc tế. Đây là vấn đề mới, nhưng nếu không tìm hiểu, lên ý tưởng để bắt kịp xu hướng thì sẽ bị lạc hậu. Vì thế, chúng ta cần có những bước thí điểm, xây dựng các quy trình để làm cơ sở triển khai.
Chia sẻ về những đề xuất ứng dụng khai phá dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám định BHYT, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến cho biết, qua gần 6 năm thực hiện giám định điện tử, dữ liệu KCB đã tăng nhanh chóng với trên 15 tỷ bản ghi thu thập từ gần 1 tỷ lượt KCB, trong đó, chất lượng dữ liệu ngày càng được cải thiện với việc bổ sung các yêu cầu bắt buộc về chuẩn hoá dữ liệu. Việc nghiên cứu ứng dụng khai phá dữ liệu và trí tuệ nhận tạo hỗ trợ kiểm soát yêu cầu thanh toán BHYT dự kiến được triển khai đặt mục tiêu: Xây dựng công cụ khai phá dữ liệu hỗ trợ thiết lập các phác đồ điều trị đối với từng nhóm bệnh; xây dựng pháp đồ điều trị chuẩn dựa trên thực chứng và kết luận của các nhà chuyên môn; sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ xác định các yêu cầu thanh toán và quản lý rủ ro trong thanh toán BHYT. Theo đó, xây dựng công cụ ứng dụng AI hỗ trợ việc thiết lập và chuẩn hoá các phác đồ điều trị đối với từng nhóm bệnh; thẩm định, xây dựng phác đồ điều trị chuẩn; xây dựng các ứng dụng AI hỗ trợ kiểm tra yêu cầu thanh toán và quản lý rủi ro về BHYT.
Ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT nhận định, AI là một nội dung mới, vì vậy để áp dụng được những công nghệ mới này cần có những tham khảo, hội thảo, ý kiến chuyên gia trong nước về quốc tế trước khi triển khai trong thực tiễn, ứng dụng vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ cũng nhận định, mặc dù là vấn đề mới nhưng phải bắt tay vào làm, triển khai, qua đó mới có thể hoàn thiện quy trình, xây dựng các cơ sở pháp lý phù hợp.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá, AI là vấn đề mới, lớn, vì vậy ngay cả quốc tế không có được nhiều tài liệu để tham khảo, học tập. Ý tưởng về AI đối với Hệ thống Giám định BHYT là ý tưởng hay vì vậy, việc triển khai ý tưởng này trong thực tiễn là cần thiết. “Tuy nhiên, vì là vấn đề mới nên cần phải triển khai bài bản từ nghiên cứu, xây dựng thành đề án khoa học, triển khai thí điểm để đánh giá tính khả thi, từ đó xây dựng mô hình phù hợp với nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Đánh giá cao ý tưởng về ứng dụng AI, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, mặc dù đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ xong chính vì mới lại càng cần phải tìm hiểu, lên ý tưởng, xây dựng các nội dung mang tính tầm nhìn. “Điều kiện tiên quyết để ứng dụng được AI là cần có cơ sở dữ liệu lớn, đầy đủ, “đúng, đủ, sạch, sống”; ngành BHXH Việt Nam với dữ liệu của 98 triệu dân- đây chính là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện”- Tổng Giám đốc cho biết.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị nghiệp vụ phối hợp cung cấp thêm các thông tin, tiếp tục hoàn thiện dữ liệu, kết nối, chia sẻ làm giàu thêm nguồn dữ liệu, tiến tới xây dựng được một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, phong phú. “Đối với việc ứng dụng AI trong giám định BHYT cần đưa ra được các tiêu chí cụ thể, thí điểm ở mức độ thấp sau đó mở rộng khi có đủ cơ sở pháp lý. Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến chủ trì tham vấn ý kiến, tìm hiểu các bộ, ngành đã triển khai AI ở các lĩnh vực cụ thể. Vụ Hợp tác Quốc tế nghiên cứu, chia sẻ thông tin của các quốc gia đã ứng dụng công nghệ AI, nhất là trong KCB, trong BHYT; có thể đề xuất cử chuyên gia sang học tập, nghiên cứu, bắt kịp xu hướng của quốc tế, tránh lạc hậu. Đồng thời, sau khi thực hiện thí điểm thì xây dựng phương án tổ chức hội thảo, mời chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, góp ý. Từ đó làm cơ sở ứng dụng trong hoạt động quản lý của ngành, xây dựng cơ sở pháp lý chung cho toàn quốc... AI mới nhưng nếu không tích cực tìm hiểu thì không hình dung ra được, chúng ta phải thống nhất được phương án, chưa có tiền lệ thì phải học, tham vấn, song hành với đó là triển khai thí điểm với tinh thần làm đến đâu vỡ vạc đến đó, chưa hài lòng thì tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện”- Tổng Giám đốc chỉ đạo.
Tại cuộc họp, báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, tính đến 12/9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 50.545.888 thông tin nhân khẩu có trong CSDL Quốc gia về bảo hiểm với CSDL Quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 60.317.337 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL Quốc gia về dân cư phục vụ triển khai ứng dụng. Cũng đến thời điểm này, toàn quốc đã có 11.190 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ KCB BHYT (chiếm khoảng 88% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc) với 1.797.501 lượt tra cứu.
BHXH Việt Nam cung cấp thành công DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia. Tính đến 12/9/2022, đã có 119 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết. Với DVC liên thông đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí, BHXH Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tham gia hoàn thiện quy trình, hoàn thiện tài liệu kỹ thuật xây dựng phần mềm liên thông, tham gia ý kiến vào tài liệu kỹ thuật, cung cấp các API theo yêu cầu của Bộ Công an. Đối với DVC giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính đến 12/9/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC Quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 20.035 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ.
Đáng chú ý, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
BHXH Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử. Theo đó, BHXH Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến về việc triển khai xây dựng sổ sức khỏe điện tử gửi VPCP đề nghị điều chỉnh lại một số nội dung. Trong đó, yêu cầu tất cả các cơ sở y tế, cơ sở KCB (công lập, ngoài công lập) thực hiện cập nhật đầy đủ thông tin KCB của người đi KCB BHYT và KCB dịch vụ, thông tin khám sức khoẻ cho người dân vào hệ thống của BHXH Việt Nam. Hệ thống BHXH Việt Nam sẽ đồng bộ thông tin này sang hệ thống CSDL quốc gia về dân cư để cập nhật vào kho dữ liệu điện tử của Bộ Y tế gắn với hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân…
Về thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến hỗ trợ cá nhân, tổ chức đến làm việc tại cơ quan BHXH, lãnh đạo Trung tâm CNTT cho biết, sẽ mở tính năng này trên ứng dụng di động VssID-BHXH số, trên Cổng DVC của BHXH Việt Nam và Tổng đài 19009068. Các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng tài khoản giao dịch điện tử để đăng nhập đặt yêu cầu, hoặc khai báo một số thông tin để đặt lịch làm việc.
Kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao sự đóng góp tích cực, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong triển khai, ứng dụng các công nghệ mới vào nghiệp vụ của Ngành. Các nội dung công việc cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong triển khai Đề án 06, cơ bản hoàn thành yêu cầu, tiến độ được giao. Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI vào hoạt động nghiệp vụ; phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch của Đề án 06 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dự trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư được đánh giá có nhiều lợi ích lớn khi áp dụng và hệ thống “Một cửa” và xử lý văn bản, công vụ của Ngành, vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, thời gian tới sẽ triển khai trong các lĩnh vực này.
Về thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến hỗ trợ cá nhân, tổ chức đến làm việc tại cơ quan BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu triển khai ngay vì các hệ thống, nền tảng ứng dụng CNTT của Ngành đã đáp ứng được yêu cầu này. Trước mắt, sẽ triển khai thí điểm tại 4 địa phương lớn là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Bích Thủy
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...