Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kiến nghị của chuyên gia về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
26/08/2022 08:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Công văn số 514/VPCP-KGVX ngày 24/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kiến nghị của chuyên gia về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục tình trạng trên tại các cơ sở KCB.
Trước đó, vào ngày 12/8/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 718/BC-TTĐT ngày 17/8/2022). Xét Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kiến nghị của chuyên gia tại báo cáo nêu trên để chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB.
Tại Tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế”, các chuyên gia đã nêu ý kiến về thực trạng, nguyên nhân thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và giải pháp khắc phục tình trạng này. Trong đó, về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp.
Cụ thể: TS.Nguyễn Huy Quang- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề nghị các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cần gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT để trình Chính phủ. Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, trước tiên phải có đánh giá xem mức độ, tình trạng thiếu thuốc ở từng cấp (Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế), để xác định nguyên nhân thiếu thuốc của từng đơn vị.
Đồng thời, phải xem xét một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội, một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu. Những vướng mắc cần phải được xem xét kịp thời, vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện.
Về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi, sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu. Nâng cao năng lực và tính trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các đơn vị KCB. Từ đó, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thầu. Cùng với đó, phải ứng dụng CNTT để theo dõi công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực quản trị, quản lý nhà nước của UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT.
PGS-TS.Đào Xuân Cơ- Giám đốc BV Bạch Mai cũng đề nghị cần có các cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm về giá, không để các DN tự công bố giá. Điều này nhằm tránh việc bắt tay thổi giá, tạo giá không hợp lý. Trong khi đó, PGS-TS.Bùi Thị An- nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng khuyến nghị cần sớm rà soát, kiểm tra, tìm hiểu những điểm vướng mắc trong cơ chế đấu thầu và sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế- được coi là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu thuốc hiện nay.
Bên cạnh đó, về vấn đề này, báo chí cũng dẫn ý kiến của ông Đào Khánh Tùng- cán bộ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Nhà nước có thể tiết kiệm đáng kể tiền mua thuốc theo cách thức UNDP đã và đang hỗ trợ các nước. Cụ thể, cứ khoảng 2 năm, đơn vị này sẽ tổ chức đấu thầu toàn cầu một lần, sau đó đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng thuốc và vật tư y tế trên toàn thế giới nhằm giúp các nước nghèo và đang phát triển tiếp cận các nguồn cung thuốc generic (thuốc phiên bản), biệt dược và các hàng hóa y tế khác đúng với giá của chúng. Mục đích của UNDP là nhằm giảm tối đa các khâu trung gian, tránh tình trạng giá bị đẩy lên qua mỗi khâu, cũng như đảm bảo an toàn và minh bạch giá, đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh, mà còn tiết kiệm đáng kể cho ngân sách các nước vốn đã eo hẹp.
Thái An
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...