Người dân đã hài lòng hơn với giải quyết thủ tục hành chính
26/05/2022 10:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị Công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nặng nề, làm tổn thất lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN và toàn xã hội. Mặc dù rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời thích ứng với tình hình mới. Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, gắn với năm bản lề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để thúc đẩy thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động trong lãnh đạo, điều hành là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” và đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó CCHC là một trong những giải pháp trọng tâm. “Nhờ đó, công tác CCHC đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng”- Bà Trà nói.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, năm 2021 là năm thứ 10 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 5 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quá trình triển khai nghiêm túc, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, lấy ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh và đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2021 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ông Phạm Minh Hùng- Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cho hay, đối tượng xác định Chỉ số PAR INDEX 2021 ở Trung ương gồm 19 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, ngành còn lại. Ở địa phương có 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc triển khai điều tra xã hội học năm 2021 được thực hiện với quy mô trên 79.600 phiếu, trong đó có hơn 49.600 phiếu khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương, số lượng phiếu khảo sát cao hơn 2,25 lần so với năm 2020 (khoảng 22.000 phiếu) và gần 30.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp; ngoài ra, còn khảo sát đại diện một số hội, hiệp hội đánh giá kết quả CCHC của các bộ chủ quản.
Kết quả Chỉ số PAR INDEX 2021 các bộ, ngành được phân loại gồm 3 nhóm điểm. Nhóm có kết quả trên 90% gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhóm có kết quả từ trên 80% đến dưới 90% gồm 13 Bộ: Nội vụ; Ngoại giao; TN-MT; LĐ-TB&XH; Xây dựng; TT-TT; GTVT; NN-PTNT; KH-ĐT; Công Thương; VH-TT&DL; Y tế; GD-ĐT. Nhóm có kết quả dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ KHCN với giá trị Chỉ số cải cách hành chính là 78,72%.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2021 là 86,07%, giảm 1,49% so với năm 2020 (đạt 87,56%). Tuy nhiên, xét trong 10 năm đánh giá thì kết quả Chỉ số CCHC tiếp tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 đã tăng cao hơn 10,69% so với năm 2012.
Theo thống kê, có 11/17 bộ, cơ quan đạt Chỉ số CCHC trên mức giá trị trung bình; 6/17 bộ, cơ quan có kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020, tăng cao nhất là Bộ Nội vụ (+2,20%). Trong số các bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm so với năm 2020, giảm nhiều nhất là Bộ KHCN (-6,43%).
Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,90%; trong khi đó, Bộ KHCN là đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 thấp nhất, đạt 78,72%.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các tỉnh, thành cũng được phân theo 3 nhóm. Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm Hải Phòng (91,8%), Quảng Ninh (91,14%), Đà Nẵng (90,25%). Nhóm B là 59 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%. Nhóm C có tỉnh Kiên Giang với kết quả Chỉ số CCHC chính đạt 79,97%.
Năm 2021, Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,37%, cao hơn 2,65% so với năm 2020 (đạt 83,72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%; 40/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, nhiều hơn các năm.
Có 60 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020; tăng cao nhất là tỉnh Quảng Ngãi (+13,20%), tăng thấp nhất là Đồng Tháp (+0,03%). Ngoài ra, vẫn còn 3 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm nhẹ so với năm 2020 là Đồng Nai (-0,49%), Tiền Giang (-0,51%) và Hà Nam (-1,94%).
Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0,66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%). Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong top 3 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này. Trong khi đó, Vĩnh Phúc cũng lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả đạt 89,28%, xếp vị trí thứ 5/63.
“Nhìn chung, kết quả chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao”- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính đánh giá.
Theo ông Hùng, trong 10 năm qua, chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước.
Thông qua đó, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho CCHC nhà nước giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
“Kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách”- ông Hùng nhận định.
Bên cạnh đó, Báo cáo đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) ghi nhận tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trong năm 2021 tăng lên so với những năm trước đó.
Kết quả cụ thể cho thấy, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87,16%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 94,07%- 82,79%. Các tỉnh có Chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang. Trong đó, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng với 94,07%. Tiếp theo lần lượt nằm trong top 5 tỉnh, TP là là Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, người dân, tổ chức chủ yếu tiếp cận thông tin về cơ quan cung ứng DVC và quy định TTHC thông qua công chức, với các chỉ số lần lượt là 50,88% và 62,72%, còn lại là các hình thức khác. Tỷ lệ người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về 2 nội dung này thông qua mạng internet chỉ là 12,64% và 14,89%. Có 3,26% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện DVC, xảy ra tại 61/63 tỉnh.
Có 0,45% người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 0,14% người dân, tổ chức phản ánh phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giao dịch dịch vụ công.
Đồng thời, 46/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Vẫn còn 2,85% người dân, tổ chức không nhận được giấy hẹn trả kết quả dịch vụ, xảy ra ở 25/63 tỉnh; 2.57% người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả, trong đó chỉ có 40,38% nhận được thông báo của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả và 42,58% nhận được xin lỗi của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả.
Đặc biệt, có tới 57/63 tỉnh xảy ra tình trạng trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, trong đó chỉ có 4/57 tỉnh thực hiện thông báo cho người dân về việc trễ hẹn và cũng 4/57 tỉnh đã thực hiện xin lỗi.
Phân tích cụ thể, các chỉ số hài lòng chung về tiếp cận dịch vụ là 88,66%; về TTHC là 88,48%; về công chức là 88,25%; về kết quả dịch vụ là 89,52%; về việc cơ quan tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 80,9%.
Cũng theo kết quả được công bố, ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi các cơ quan hành chính nhà nước cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa TTHC, với 54,02% người dân, tổ chức mong đợi; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, với 51,89% mong đợi; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, với 47,26% mong đợi. Dù yếu tố TTHC nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức cao thứ hai trong 5 yếu tố được đánh giá nhưng 2 nội dung mà người dân mong đợi được cơ quan nhà nước cải thiện nhiều nhất đều thuộc yếu tố TTHC.
Hà Thủy
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...