BHXH một lần ở Việt Nam: Thực trạng đáng lo ngại
12/04/2022 09:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
ThS. Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đồng thời hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Tuy nhiên, trong khi các cấp, các ngành nỗ lực phát triển người tham gia BHXH thì nhiều NLĐ vẫn lựa chọn hưởng BHXH một lần. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần nhìn nhận khách quan về BHXH một lần để sớm có giải pháp hữu hiệu.
Lý luận về chính sách BHXH một lần
Chính sách BHXH một lần đã được quy định ngay từ Điều lệ BHXH đầu tiên đến nay.
Trong giai đoạn trước năm 1995, chính sách chỉ áp dụng đối với CNVC Nhà nước mất sức lao động phải thôi việc và có thời gian công tác liên tục dưới 5 năm (những người nghỉ việc không do yêu cầu của cơ quan, đơn vị thì sẽ không được hưởng quyền lợi BHXH).
Đến giai đoạn 1995- 2002, chính sách BHXH một lần được thực hiện đối với mọi NLĐ có nguyện vọng mà khi nghỉ việc chưa đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng.
NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động
Từ ngày 1/1/2003, mặc dù Nghị định 01/2003/NĐ-CP đã điều chỉnh quy định nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, theo đó NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ thời gian đóng BHXH thì được cấp sổ BHXH và bảo lưu thời gian đóng BHXH để đến khi có điều kiện thì tiếp tục đóng BHXH. Chỉ những người khi nghỉ việc đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc định cư hợp pháp ở nước ngoài mới thuộc đối tượng chi trả. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, trước làn sóng không đồng thuận của một bộ phận NLĐ với quy định mới, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 07/2007/TT-BLĐTBXH cho phép NLĐ làm việc theo hợp đồng có thời hạn đã giao kết trước ngày 1/1/2003 mà chấm dứt HĐLĐ sau ngày 1/1/2003, nếu có đơn tự nguyện thì được trợ cấp BHXH 1 lần.
Giai đoạn 2007- 2015, theo quy định của Luật BHXH năm 2006, chính sách BHXH một lần tiếp tục thực hiện, tuy nhiên có ràng buộc “sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia BHXH đối với người chưa đủ 20 năm đóng BHXH”.
Giai đoạn từ 2016 đến nay, Luật BHXH năm 2014 tiếp tục hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần bằng việc không bao gồm cả đối tượng NLĐ “sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia BHXH”. Tuy nhiên, bằng Nghị quyết số 93/2015/QH13, Quốc hội đã cho phép thực hiện trở lại việc chi trả BHXH một lần đối với trường hợp NLĐ sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Những quy định về BHXH một lần thời gian qua khá thông thoáng và thuận lợi, nên số người thụ hưởng chính sách liên tục tăng cao, đặt ra thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ BHXH, không đảm bảo an ninh thu nhập cho NLĐ khi hết tuổi lao động và không đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Thực trạng tổ chức thực hiện BHXH một lần
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2014- 2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương với số người tham gia tăng thêm mới hằng năm). Riêng năm 2021, theo thống kê đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần- một con số rất đáng để suy nghĩ.
Nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần chiếm bình quân 4,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc- tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014- 2020. Điều này cũng có nghĩa là, cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người cũ rời khỏi hệ thống.
Nhận BHXH một lần chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt cho NLĐ (Ảnh minh họa)
Số lượng người hưởng BHXH một lần trong những năm qua có xu hướng gia tăng đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Việc NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân NLĐ, gia đình và xã hội, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn tới tốc độ mở rộng độ bao phủ của hệ thống BHXH tăng rất chậm. Nếu như giai đoạn 5 năm (2014- 2018), tốc độ tăng số người tham gia BHXH bắt buộc bình quân hằng năm là khoảng 5,72% thì năm 2019 chỉ còn tăng 5,18% (thấp hơn 0,8 điểm %), năm 2020 là -1,12% (có thêm yếu tố tác động bởi dịch COVID19). Đây là một thách thức để hoàn thành mục tiêu về mở rộng độ bao phủ BHXH trong thời gian tới.
Người hưởng BHXH một lần tập trung ở nhóm trẻ tuổi
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014-2018. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi (chiếm 27,6%); nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi đứng thứ hai chiếm 25,3%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 đến 39 tuổi và nhóm tuổi từ 20 đến 24 tuổi lần lượt là 15,5% và 10,6% (Chi tiết Biểu đồ).
Xét từ khía cạnh giới, các nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi và từ 30 đến 34 tuổi là 2 nhóm tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất đối với cả nam giới và nữ giới tương ứng là 50,5% và 54,9%. Tuy nhiên, nếu như ở nam giới nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 25,9%; thì ở nữ giới nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi lại là nhóm có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 30%. Xu hướng này ở phụ nữ có thể được giải thích là do phụ nữ ở các nhóm tuổi này đang trong độ tuổi sinh đẻ phải nghỉ việc sinh con. Còn đối với nam giới, lý do được đưa ra là họ ở độ tuổi cần chu cấp cho gia đình nên khi mất việc thường nghĩ ngay đến đến nguồn tài chính từ chế độ BHXH một lần.
Người hưởng BHXH một lần thường có số năm đóng BHXH thấp
Trong giai đoạn 2014- 2018, có gần 50% số người đã hưởng BHXH một lần chỉ có dưới 3 năm đóng BHXH. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp do số người hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở nhóm người trẻ, thời gian làm việc ngắn.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số người có trên 10 năm đóng BHXH có xu hướng hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng đối với cả nam và nữ, và nam giới lại hưởng BHXH một lần nhiều hơn phụ nữ ở nhóm này. Trong các năm 2014 và năm 2015, số người có trên 10 năm đóng BHXH chỉ chiếm 6% trong tổng số người hưởng BHXH một lần. Đến năm 2018, con số này đã là 9%. Trong năm 2014, nam giới có trên 10 năm đóng BHXH chỉ chiếm 6% trong tổng số người hưởng BHXH một lần là 7%, đến năm 2018 đã tăng lên 10%. Còn đối với phụ nữ, số người có trên 10 năm đóng BHXH hưởng chế độ BHXH một lần chỉ là 5% đến 6% từ năm 2014 đến 2017, nhưng đến năm 2018 tăng lên 8%.
Người hưởng BHXH một lần chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy có sự khác biệt lớn trong hưởng chế độ BHXH một lần của NLĐ ở khu vực việc làm Nhà nước và khu vực việc làm ngoài Nhà nước. Những người hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, với 615.612 người trong tổng số trên 666.000 người đã hưởng BHXH một lần của năm 2018, chiếm 92,31%.
Đáng lưu ý là tỷ lệ hưởng chế độ BHXH một lần là khá cao ở nhóm tuổi từ 55 đến 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên ở cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Điều này có thể được lý giải là do sự tham gia BHXH bắt buộc muộn- xuất phát từ việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc của chính sách đối với một số loại hình HĐLĐ và loại hình công việc mà trước đây không thuộc diện bao phủ của BHXH bắt buộc. Những NLĐ này thường có số năm tham gia BHXH thấp lại đến tuổi nghỉ hưu và không có khả năng tự đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng nên phải hưởng BHXH một lần.
Số liệu báo cáo của cơ quan BHXH ở cả cấp Trung ương và địa phương đều không cung cấp được thông tin về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của những người hưởng chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cùng với GIZ thực hiện năm 2018 ở 4 địa phương gồm TP.Hà Nội, Bắc Giang, Long An và TP.HCM với 209 người đã và đang làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần cho thấy, nhìn chung trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của những người hưởng chế độ BHXH một lần thấp, chủ yếu chưa hết THPT và chưa qua đào tạo nghề. Bên cạnh đó vẫn có những người có trình độ ĐH đề nghị hưởng BHXH một lần sau khi bị mất việc làm.
Một vấn đề khác rất đáng được quan tâm là số người hưởng BHXH một lần từ 2 lần trở lên đã và đang xảy ra. Có 29 trong tổng số 209 người được khảo sát cho biết họ đã hưởng BHXH một lần từ 2 lần trở lên. NLĐ nhiều lần hưởng BHXH một lần xảy ra chủ yếu đối với lao động nữ di cư từ khu vực nông thôn ra thành phố. Những lần hưởng BHXH một lần thường gắn với thời gian nghỉ việc về quê sinh con và chăm sóc con nhỏ.
Nguyên nhân
Thứ nhất, nhu cầu tài chính ngắn hạn của NLĐ sau khi nghỉ việc. Vấn đề căn cơ nhất đối với NLĐ là khả năng về tài chính trong bối cảnh việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận NLĐ hiện nay còn nhiều khó khăn; NLĐ bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, trang trải nợ nần,.. và khi mà chính sách BHXH một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng thì NLĐ sẽ tìm đến đó như là một công cụ tài chính trước mắt.
Đồng thời, quyết định hưởng BHXH một lần của nhiều NLĐ cũng xuất phát từ việc NLĐ bị mất việc làm ở khu vực chính thức với thời gian đóng góp BHXH ngắn. Để đóng BHXH được đến lúc hưởng lương hưu thì cần phải đóng thêm rất nhiều năm sau đó. Do vậy, NLĐ không muốn và cũng không đủ khả năng về tài chính để tiếp tục tham gia BHXH, xin nhận một lần luôn.
Thứ hai, khả năng tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống trên các trang mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ (thông tin không đúng về vấn đề quỹ BHXH sẽ mất khả năng chi trả; vấn đề tăng mức đóng, giảm quyền lợi hưởng, tăng tuổi nghỉ hưu để nhằm tăng thu cho quỹ, hay vấn đề về so sánh giữa việc gửi tiết kiệm ngân hàng với hưởng lương hưu,…), từ đó làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH, nên quyết định nhận BHXH một lần.
Thứ ba, chính sách BHXH còn rào cản, chưa thu hút sự tham gia của NLĐ, cụ thể:
- Quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài đến 20 năm đóng. Điều này dẫn đến đa số NLĐ khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng góp sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong khi đó, điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, mức hưởng khá hấp dẫn so với mức đóng góp của NLĐ (với mức đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng từ 1,5- 2 tháng lương cho mỗi năm đóng được xem là rất có lợi). Từ đó, khiến NLĐ muốn được nhận BHXH một lần thay vì bảo lưu chờ đóng tiếp để hưởng hưu trí.
- Chênh lệch về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc quá lớn, chưa khuyến khích người có mức lương thấp tham gia BHXH (hiện nay mức lương hưu quá thiên về nguyên tắc đóng- hưởng, trong khi những nguyên tắc khác như tính chia sẻ, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người về hưu lại chưa được chú trọng).
Thứ tư, thiếu tính tương hỗ từ chính sách BH thất nghiệp. Mục tiêu của chính sách BH thất nghiệp là hướng NLĐ sớm trở lại với công việc thông qua các chính sách như giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, bên cạnh đó còn thực hiện trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo NLĐ có được nguồn thu nhập trước mắt, ngắn hạn để duy trì cuộc sống, khắc phục những khó khăn do bị mất việc làm. Nếu thực hiện tốt chính sách BH thất nghiệp cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để NLĐ ổn định cuộc sống, không tìm đến BHXH một lần.
Giải pháp
Từ những phân tích trên cơ sở các nguyên nhân dẫn tới thực trạng hưởng BHXH một lần những năm qua và qua kinh nghiệm các nước cho thấy, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau đây để giảm thiểu việc hưởng BHXH một lần:
- Thứ nhất, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ. Chỉ khi NLĐ có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.
- Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước và BHXH Việt Nam cần có chiến lược truyền thông tổng thể để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách. Bên cạnh đó là những giải pháp liên quan đến cải cách TTHC, tinh gọn bộ máy, tổ chức thực hiện chính sách một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát,… để đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia và thụ hưởng từ chính sách BHXH, thông qua đó từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin đối với chính sách.
- Thứ ba, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương đóng để đảm bảo tiền lương đóng phải tiệm cận dần với mức tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ, từ đó góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc; thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu bên cạnh nguyên tắc đóng- hưởng cần có tính chia sẻ.
Cần sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 để từ đó điều chỉnh phù hợp. Tiếp tục duy trì chính sách BHXH một lần nhưng có sự sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bằng công cụ chính sách để NLĐ sẽ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.
Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ NSNN và huy động các nguồn lực xã hội khác,…). Qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho những NLĐ sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.
Hoàn thiện chính sách BH nghiệp theo hướng phát huy chức năng, vai trò của một công cụ quản trị thị trường lao động trong việc tạo việc làm, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, mất việc làm ở NLĐ; hỗ trợ NLĐ mất việc sớm tìm kiếm được việc làm mới, có nguồn thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt trong thời gian mất việc.■
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...