Công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh, làm ngày càng tốt hơn
04/04/2022 03:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế-xã hội tháng 3, quý I năm 2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong thời gian tới; báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Tại Phiên họp, các ý kiến đều đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ban ngành, địa phương, nhất là trong việc triển khai các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, trong quý I/2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, qua đó góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh…
Với sự vào cuộc như trên, tình hình kinh tế-xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh, tiệm cận mức tăng trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…
Kết luận về những nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những khó khăn tác động đến việc thực hiện mục tiêu đề ra. Trước tình hình đó, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên; vừa phải khắc phục các hạn chế, bất cập, tồn đọng; vừa phải xử lý các vấn đề phát sinh do tình hình mới. Đáng chú ý, Chính phủ đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.
Vì vậy, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực và phục hồi mạnh mẽ. GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%). Trong bối cảnh sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, kinh tế vĩ mô ổn định; chính sách tài khóa, tiền tệ được phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng; phí và lệ phí giảm nhưng thu ngân sách tăng. Các cân đối lớn đươc bảo đảm (thu đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh và đã cơ bản phục hồi).
Công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh, làm ngày càng tốt hơn, độ bao phủ an sinh ngày càng lớn, bảo đảm không có ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là trong dịp giáp hạt, dịp Tết. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Chúng ta làm tương đối tốt việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình, đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh theo rủi ro. Lòng tin của người dân và DN với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền tăng lên; bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, đánh giá tích cực về Việt Nam.
Theo Thủ tướng, để vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả như trên là nhờ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền và giữa Chính phủ với Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và DN, bạn bè, đối tác quốc tế.
Qua đó, chúng ta đã rút ra được các kinh nghiệm quý báu như: Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc, chi phối lớn bởi bên ngoài. Đồng thời, không cô lập, tự cung, tự cấp, mà tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa vào nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng và đột phá. Cùng với đó, phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên định các vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề cụ thể.
Dự báo những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ. Phải kiểm soát được dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân, DN, nhà đầu tư yên tâm sinh sống, làm việc, mở rộng sản xuất kinh doanh. Củng cố đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA; tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công; chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với những ảnh hưởng, tác động bởi xung đột tại Ukraine, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Vận dụng sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả thực hiện ...
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...