Phục hồi và ổn định thị trường lao động: Cần hỗ trợ kịp thời
20/12/2021 03:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy làm sao để phục hồi thị trường lao động trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”? Ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chia sẻ về vấn đề này.
* PV: Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, cả xã hội đều dễ dàng nhận thấy và nếm trải. Ở góc độ cơ quan quản lý lao động việc làm, ông đánh giá như thế nào về những thiệt hại cụ thể do dịch bệnh này gây ra?
- Ông Lê Văn Thanh:
Từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của thị trường lao động. Hàng chục triệu NLĐ lâm vào hoàn cảnh khó khăn do tiền lương bị giảm, thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Nhiều chủ SDLĐ lâm vào tình cảnh nợ nần, phá sản... Nguồn cung cho thị trường lao động bị suy giảm, cơ cấu việc làm và chuyển dịch trong thị trường bị đảo chiều. Thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, làm mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và gây áp lực trong việc giải quyết việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, tác động của dịch COVID-19 còn làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng của NLĐ hiện tại và kỹ năng mà các DN cần để thích ứng với thay đổi về công nghệ cũng như thị trường.
Còn về thiệt hại, theo thống kê, trong quý III/2021 có tới 4,7 triệu NLĐ bị mất việc làm; 14,7 triệu NLĐ phải tạm nghỉ việc hoặc do DN tạm ngừng sản xuất kinh doanh; trên 10 triệu NLĐ bị giảm giờ làm hoặc tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% số NLĐ vùng Đông Nam bộ và 44,7% số NLĐ vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc. Trong quý này, cả nước có 49,1 triệu lượt NLĐ, giảm 22 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2020 và 47,2 triệu NLĐ có việc làm, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong năm 2021, số lượng NLĐ giảm việc làm rất trầm trọng.
Dịch bệnh đã làm cơ cấu việc làm thay đổi. Trước đây, số việc làm trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản giảm, lĩnh vực dịch vụ-công nghiệp tăng, nhưng trong đợt này đã đảo chiều ngược lại. NLĐ trong ngành dịch vụ giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước, nay còn khoản 17,1 triệu người; NLĐ có việc làm ngành công nghiệp- xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước.
* Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể của thị trường lao động. Kết quả của việc thực hiện những chính sách này thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Để giảm bớt khó khăn cho NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng ban hành một số chính sách hỗ trợ cho họ. Cụ thể, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 khi triển khai thực hiện gặp một số vướng mắc nên Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung thành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 8/10/2021). Tiếp đó là Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ từ quỹ BH thất nghiệp. Những chính sách này được ban hành nhằm hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ, nhất là các đối tượng bị tác động bởi đại dịch cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng kinh phí thực hiện các Nghị quyết trên là 27.240 tỷ đồng, hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng. Trong số đó, có 3 nhóm chính sách chính là nhóm BH đã hỗ trợ 5.380 tỷ đồng cho 375.809 đơn vị SDLĐ và 11,389 triệu NLĐ; nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền đã hỗ trợ cho hơn 15,64 triệu đối tượng với tổng kinh phí 21.110 tỷ đồng; trên 13,35 triệu NLĐ tự do và đối tượng đặc thù khác tại 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 17.140 tỷ đồng; nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân 479,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.449 DN để trả lương cho 209.280 lượt NLĐ.
NLĐ làm thủ tục nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp
Mặt khác, theo Nghị quyết 116/NQ-CP, đến ngày 12/12 đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 11.544.408 NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và 981.347 NLĐ đang bảo lưu thời gian tham gia BH thất nghiệp, với tổng số tiền hỗ trợ trên 29.632 tỷ đồng. Tổng số tiền chi trả là 29.607 tỷ đồng cho 12.511.055 NLĐ (gói này dự kiến hỗ trợ 30.000 tỷ đồng); giảm mức đóng BH thất nghiệp cho hơn 363.600 đơn vị SDLĐ, tương ứng 9,68 triệu NLĐ và số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng là 7.595 tỷ đồng. Đến nay, ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành chính sách này (theo Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021).
* Thưa ông, tác động của đại dịch COVID-19 đã cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động rất lớn, khi chúng ta thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Vậy, ngành LĐ-TB&XH đã có giải pháp, chính sách gì để khôi phục thị trường lao động thời gian tới?
- Chúng tôi đang dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung vào 7 nhóm giải pháp lớn: Hỗ trợ trực tiếp NLĐ (giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm…); hỗ trợ chủ SDLĐ phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng NLĐ, cung cấp kịp thời cho DN ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho DN; hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động; hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện CSDL quốc gia về lao động, việc làm, kết nối và chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.
Theo tính toán, nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, nên Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ; đồng thời cùng với Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT nghiên cứu, bố trí kinh phí để thực hiện nhóm 7 giải pháp này. Ngoài ngân sách Trung ương, chúng ta cần huy động ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa.
Hiện nay, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhưng trước hết NLĐ phải được an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Chúng ta phải thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn theo các Nghị quyết đã ban hành. Đồng thời, sẽ tiếp tục ban hành và triển khai một số chính sách, giải pháp mới để hỗ trợ các chủ SDLĐ và NLĐ. Có như vậy, chúng ta mới có thể hóa giải nguy cơ thiếu hụt lao động, nhất là vào dịp cuối năm.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Vận dụng sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả thực hiện ...
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...