Ngành BHXH Việt Nam cần làm tốt hơn chuyển đổi số và đảm bảo an sinh cho người dân
09/12/2021 08:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 8/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian qua và các định hướng lớn trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Về phía BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh; Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với BHXH Việt Nam
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam và các ý kiến tại cuộc họp, ngành BHXH Việt Nam đã đạt những kết quả nổi bật trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giải quyết và chi trả chế độ BHXH, BHYT; quản lý tài chính, đầu tư quỹ; thanh tra, kiểm tra; CCHC và chuyển đổi số… Đặc biệt, số người tham gia BHXH tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương; BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương.
Đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHXH tiếp tục tăng so với năm 2020, đạt 16,202 triệu người (tăng 38,7 nghìn người); BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao); 88 triệu người tham gia BHYT, đạt hơn 90% dân số. Công tác chuyển đổi số được đặc biệt chú trọng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH Việt Nam. Ngành BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng, hoàn thiện kho CSDL hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về BH.
Việc kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức truyền thống với thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức điện tử giúp tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra, giảm số cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm hơn; từ năm 2017 tới nay đã từ chối thanh toán, giảm chi quỹ BHYT hơn 9.359 tỷ đồng. Các thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong hỗ trợ người dân và DN trong bối cảnh dịch bệnh…
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh báo cáo tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến góp ý; đồng thời biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH. Nhấn mạnh một số kết quả mà ngành BHXH đạt được, nhất là trong triển khai chính sách hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ/CP, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề chưa được pháp luật quy định, nhưng các cơ quan chức năng đã đề xuất xử lý kịp thời, giải quyết yêu cầu cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, quỹ BHXH kết dư tốt và an toàn, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả trong sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế…
Tại buổi làm việc, các ý kiến cũng nêu rõ một số hạn chế như: Một số quy định về BHXH, BHYT còn bất cập, cần tiếp tục được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Tốc độ gia tăng người tham gia BHXH, BHYT còn chậm; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ, chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn xảy ra. Chưa có cơ chế xử lý đối với DN nợ BHXH, BHYT bị giải thể, phá sản, chủ là người nước ngoài bỏ trốn. Việc quản lý quỹ KCB BHYT gặp khó khăn do cơ chế, chính sách…
Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta phải nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò của an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, dứt khoát không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đồng thời phải lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là mục tiêu và là động lực phát triển; góp phần vào sự ổn định chính trị, sự lành mạnh của xã hội và sự phát triển của đất nước.
Buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành
Về công việc cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; trong bối cảnh nguồn lực, thời gian có hạn, tình hình phức tạp, công việc có những khó khăn, nên phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Thủ tướng lưu ý, có thể lập Tổ công tác để rà soát các vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT để đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH phải vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia, vừa bảo đảm an toàn, tăng trưởng và phát triển, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các Nghị quyết số 18, 19 về tổ chức, bộ máy; Nghị quyết số 26 về xây dựng đội ngũ cán bộ… Theo đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát, lợi ích nhóm, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành BHXH Việt Nam cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối CSDL; nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng CNTT để tạo thuận lợi cho người hưởng và phòng chống trục lợi chính sách. “Bối cảnh dịch bệnh thời gian vừa qua đã khẳng định điều này hết sức quan trọng, khi chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người trong thời gian rất ngắn, thì phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bảo đảm công việc nhanh chóng, chính xác”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát lại, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách BHXH. Đồng thời, giao các cơ quan chức năng tổng hợp các kiến nghị của BHXH Việt Nam, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho ngành BHXH Việt Nam thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cũng như đặt lợi ích dân tộc quốc gia lên trên hết, trước hết.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Vận dụng sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả thực hiện ...
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...