NGÀNH Y TẾ PHÚ YÊN: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm thu hút người dân tham gia Bảo hiểm y tế
26/08/2015 10:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn hướng tới mục tiêu công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân chính là giải pháp tài chính bền vững để người có thẻ bảo hiểm y tế hưởng lợi một cách tốt nhất các dịch vụ y tế.
Để người dân tham gia bảo hiểm y tế liên quan đến nhiều yếu tố như: Điều kiện kinh tế, nhận thức về quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế, niềm tin vào chất lượng các dịch vụ y tế...Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, giúp người dân có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ là giải pháp cốt lỗi của ngành y tế Phú Yên để từng bước thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Hiện nay, hệ thống y tế được thống nhất quản lý trực tiếp trên 3 tuyến từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Toàn tỉnh có 156 cơ sở y tế, trong đó có 135 cơ sở y tế điều trị, với 2.061 giường bệnh, đạt 21 giường bệnh/vạn dân, 440 bác sĩ, đạt tỉ lệ 5 bác sĩ/vạn dân, thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các cơ sở y tế đều được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh theo hạng bệnh viện. Mặc dù thiếu hụt bác sĩ, nhưng ngành y tế vẫn cố gắng sắp xếp cử bác sĩ đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời mở nhiều lớp đào tạo tại chỗ để các bác sĩ có thể vừa học vừa phục vụ. Thông qua Đề án Bệnh viện Vệ tinh và Đề án 1816, Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện tuyến Trung ương đã chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Các bệnh viện đã thực hiện từ 80 đến 100% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã cũng từng bước được cải thiện thông qua việc cử các bác sĩ tuyến xã về thực tập tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh cũng như mở các lớp tập huấn…
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên là cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối của tỉnh, trong năm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện những kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, hiện đại. Bên cạnh đó, các Bệnh viện chuyên khoa không ngừng phát triển, đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng bệnh viện và triển khai các dịch vụ y tế tiên tiến.
Ngoài ra, ngành y tế Phú Yên tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Điều này, sẽ giúp cho người dân an tâm và tin tưởng nhiều hơn vào các kỹ thuật y tế hiện đang triển khai tại các bệnh viện, giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận đa dạng hơn các dịch vụ y tế trong khám và điều trị bệnh tật.
Năm 2014, tại kỳ họp thứ 10 khóa VI Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã thông qua Nghị quyết 110/2014/NQ-HĐND ngày 25/7/2014 về chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sĩ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020. Theo Nghị quyết, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉ lệ 9 bác sĩ/vạn dân. Để đạt mục tiêu này, tỉnh cần có thêm 446 bác sĩ. Theo dự kiến, tỉnh sẽ thu hút 280 bác sĩ, đào tạo 166 bác sĩ theo các hình thức liên thông, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ. So với các tỉnh, chính sách thu hút, đào tạo và đãi ngộ của Phú Yên có rất nhiều điểm ưu việt. Về thu hút, mỗi bác sĩ tốt nghiệp từ loại trung bình đến giỏi sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần với các mức 150 - 200 - 250 triệu đồng/người; mức hỗ trợ đối với bác sĩ sau đại học từ 280 đến 500 triệu đồng/người. Các bác sĩ về Phú Yên làm việc sẽ được bố trí làm việc phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường. Về đào tạo, chính sách này vừa hỗ trợ cho các bác sĩ đi học sau đại học vừa hỗ trợ cho cả các sinh viên đang học bác sĩ ở các trường Đại học y với phương thức linh hoạt. Chính sách đãi ngộ giúp cải thiện thu nhập của mỗi bác sĩ, cụ thể là tăng thêm từ 1,5 đến 4 lần mức lương cơ sở.
Đầu năm 2015, 36 đơn vị y tế đã trực tiếp ký cam kết với lãnh đạo Sở Y tế và Công đoàn Ngành về thực hiện thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 của Bộ Y tế quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Đoàn công tác của Sở Y tế Phú Yên cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND và ngành Y tế của 9 huyện, thị xã, thành phố giải quyết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác dự phòng và khám chữa bệnh nhằm phát huy vai trò y tế tuyến cơ sở. Sở Y tế và BHXH tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Qua đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bằng BHYT trên địa bàn tỉnh, để người có thẻ BHYT tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh, thủ tục dễ dàng, không phải chờ đợi lâu. Công tác thanh, kiểm tra được triển khai thường xuyên; xử lý và chấn chỉnh kịp thời những đơn vị sai phạm trong khám, chữa bệnh BHYT.
Mặc dù đâu đó vẫn còn những hạn chế về chuyên môn, nhưng chúng ta cũng không quá chủ quan khi đánh giá thiếu tích cực về những thành tựu mà Ngành Y tế Phú Yên đã không ngừng nỗ lực trong suốt những năm qua. Trong năm 2014, toàn ngành đã thực hiện 2.115.815 lượt khám bệnh, trong đó người có thẻ BHYT chiếm 1.309.447 lượt khám. Trong năm, quỹ BHYT chi trả khoảng 362 tỷ đồng cho bệnh nhân khám và điều trị nội trú, ngoại trú. Với khoảng chi phí mà BHYT chi trả sẽ là chiếc phao cứu sinh đối với những gia đình nghèo, cận nghèo và thậm chí là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả không may mắc các bệnh tật phải điều trị tại bệnh viện, thậm chí có những bệnh nặng, mức hỗ trợ chi trả còn cao hơn gấp nhiều lần. Với số tiền chi trả không hề nhỏ, nếu cá nhân người bệnh không tham gia BHYT thì sau một đợt bệnh, nằm điều trị dài ngày có thể đẩy gia đình từ khá giả xuống ngưỡng nghèo, các gia đình cận nghèo xuống hộ nghèo và những gia đình nghèo lại càng nghèo thêm. Hiện nay, giá các dịch vụ y tế đã tăng lên nhằm mục đích nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tương xứng để người dân hưởng lợi. Với khung giá viện phí mới, nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ là một bất lợi lớn, và ngược lại đối với những người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng nhiều loại dịch vụ y tế có chất lượng và hiệu quả cao mà không phải chi trả nhiều.
Năm 2015, Luật BHYT bổ sung, sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, theo đó quyền lợi người tham gia BHYT được mở rộng. Với chính sách mở và tạo điều kiện tối đa về quyền lợi, nếu người dân không tham gia BHYT sẽ là một thiệt thòi lớn, thậm chí tham gia muộn, chậm hoặc không liên tục cũng sẽ mất nhiều quyền lợi khi sử dụng các dịch vụ y tế có thẻ BHYT tại thời điểm đó.
Trong thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, ngành y tế Phú Yên sẽ tiếp tụccủng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến, nhằm giảm tải bệnh nhân ở tuyến trên; mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao; phát triển nguồn nhân lực y tế bằng cách từng bước đảm bảo nhu cầu cơ bản về nhân lực y tế các tuyến, đảm bảo trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, xây dựng các chính sách cho cán bộ y tế.
TTND-Bs.CK2 Phan Vũ Nhân
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...
Danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng.