Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững

22/08/2022 07:38 AM


Sáng nay (21/8), tại Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ Y tế với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng dự tại điểm cầu Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan, trong đó có BHXH Việt Nam. Dự tại đầu cầu các địa phương có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sở y tế và các sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến

Nhiều kết quả quan trọng

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đến nay, tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Sản xuất vắc-xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc-xin tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (Sởi, Sốt xuất huyết, SARS, Cúm A…).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia có số liều vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vắc xin cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Pháp... Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.

Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính y tế và BHYT, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam từng bước đổi mới cơ chế tài chính; phương thức thanh toán dịch vụ y tế. Chuyển dần chi thường xuyên từ NSNN trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tiếp tục được duy trì ở mức cao; tiếp tục phấn đấu tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi... được NSNN hỗ trợ tham gia BHYT.

“Những thành tích, đóng góp của ngành Y tế, trong hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Thành tựu phòng, chống dịch Covid-19 có sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến rất lớn của hơn 500 nghìn cán bộ y tế toàn Ngành; thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân; đồng thời nêu cao sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạnh chế. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn chậm, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý và thực tiễn; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập...

“Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt (như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế...); song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở…”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Không ngừng nâng cao chất lượng CSSK nhân dân

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc, địa phương phát biểu làm rõ hơn những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc như: Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế; sắp xếp cơ cấu tổ chức ngành Y tế; nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở; cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; công tác quản lý dược, trang thiết bị y tế; về công tác tài chính và BHYT, nhất là giá dịch vụ y tế và cơ chế đầu tư khám, chữa bệnh cho nhân dân; công tác đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ y tế…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân vẫn đạt 91,1% dân số tham gia BHYT (cuối năm 2021). Đến 2022, chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là 92%. Tuy nhiên, do sự điều chỉnh chính sách nên có khoảng 2,4 triệu người bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, BHXH Việt Nam mong được Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, Ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ thêm để hoàn thành chỉ tiêu BHYT 2022.

Liên quan đến công tác KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay BHXH Việt Nam đã thực hiện việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB với gần 13.000 cơ sở KCB trên toàn quốc. Hằng năm, quỹ BHYT đã thanh toán khoảng 100.000 tỷ đồng cho khoảng 162 triệu lượt người KCB. BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở quốc gia về bảo hiểm, xây dựng hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối đến 13.000 cơ sở KCB, sử dụng VssID đẻ KCB, phối hợp với Bộ Công An triển khai việc sử dụng thẻ CCCD trong KCB… lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội nghị

Chia sẻ về những khó khăn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, đối chiếu với toàn bộ cơ sở KCB. Cùng với đó, ngay từ đầu tháng 8/2022, BHXH Việt Nam đã họp với Bộ Y tế và Sở Y tế để giải quyết dứt điểm những khó khăn này. Đặc biệt, trong 2 tuần vừa qua, BHXH Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác làm việc tại 8 cụm nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thu; công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác KCB BHYT tại 63 địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu phát biểu tại hội nghị này. Theo Thủ tướng, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư khác nhau. Tất cả những cảm xúc đó chúng ta được thấy trong các báo cáo, tham luận và phát biểu đầy tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, phù hợp hoàn cảnh hiện nay của các đồng chí tại Hội nghị hôm nay. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y.

“Hơn 2 năm qua, chính những hy sinh, vất vả, nhọc nhằn của ngành y tế đã góp phần quan trọng để chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng đang ở mức cao. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển. An sinh xã hội được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại, hạn chế, thách thức; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế. Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công- tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Đồng thời, ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vắc-xin trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…

Song song với đó, các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn