Quỹ BHYT chi trả tiền tỷ cho nhiều bệnh nhân bệnh hiểm nghèo

02/08/2022 04:20 PM


Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có 15 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 1 tỷ đồng. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ngành BHXH Việt Nam luôn đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 55,6 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi phí 39.533 tỷ đồng. Điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân càng ngày càng mở rộng, không chỉ trong “độ mở” tại các quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, mà còn ở số lượng cơ sở KCB BHYT ngày càng tăng. Năm 2022, toàn quốc có 2.641 cơ sở KCB BHYT (không bao gồm các cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT với BHXH Bộ Quốc phòng), trong đó tuyến Trung ương có 43 cơ sở, tuyến tỉnh có 539 cơ sở, tuyến huyện có 1.918 cơ sở và tuyến xã có 141 cơ sở.

Từ tháng 6/2021, thủ tục KCB BHYT đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT, khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy làm thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian, nhất là không lo mất hay hỏng thẻ BHYT giấy.

Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, toàn quốc có trên 26,2 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 673.755 người với 1.212.145 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế triển khai sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT... Sau 4 tháng triển khai, tính đến hết tháng 6/2022, toàn quốc đã có 6.433 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT qua thẻ CCCD với 253.130 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT...

Đặc biệt, thời gian qua, ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính, trong đó có không ít bệnh nhân đã được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng tiền nằm viện; qua đó giúp người bệnh và gia đình vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm điều trị bệnh. Đáng chú ý, năm 2021, toàn quốc có 57 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 1 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có 15 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 1 tỷ đồng.

Trong đó, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có 4 người bệnh được quỹ BHYT chi trả trên 3 tỷ đồng. Cụ thể: Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất (hơn 3,9 tỷ đồng) có mã thẻ BT2868621xxx (SN 1984, địa chỉ ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 (trên 3,3 tỷ đồng) có mã thẻ TE1343422xxx (SN 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chẩn đoán bệnh là “Bệnh tích luỹ glycogen; rối loạn chuyển hóa khác”. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 (gần 3,09 tỷ đồng) có mã thẻ BT2202020xxx (SN 2006, địa chỉ xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chẩn đoán bệnh là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 (gần 3,05 tỷ đồng) có mã thẻ TE1262621xxx (SN 2018, địa chỉ thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chẩn đoán bệnh là “Bệnh tích luỹ glycogen; rối loạn chuyển hóa pyruvat và tân tạo glucose”...

Từ những trường hợp bệnh trên, có thể thấy chính sách BHYT đã và đang ngày càng thể hiện rõ vai trò, giá trị trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn