Quan điểm nhất quán của BHXH Việt Nam là luôn hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT

12/07/2022 09:15 AM


Thực trạng thiếu thuốc, VTYT tại nhiều cơ sở y tế thời gian qua khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của BHYT...

Chia sẻ tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề BHYT của BHXH Việt Nam ngày 8/7, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Thực tế hiện vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, VTYT cục bộ tại một số địa phương. Qua thống kê hiện nay cho thấy, một số địa phương thiếu thuốc nhiều như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Theo ông Phúc nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, VTYT. Thực tế, có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động.

Cũng theo ông Phúc, mới đây Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung, hi vọng trong tháng 7 này sẽ có được kết quả để công bố. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 9.000 tỉ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỉ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán KCB... Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân BHYT.

Quan điểm của cơ quan BHXH là giám định nhanh nhất có thể với đề xuất để các BV để có thể nhanh chóng mua sắm thuốc. “Chúng tôi không khuyến khích và không đồng ý với việc người bệnh phải tự đi mua thuốc bên ngoài, bởi vì có những trường hợp thuốc rất đắt, cũng như cần được đảm bảo về chất lượng trong cả khâu bảo quản. Người dân không thể bỏ số tiền lớn để mua sau đó mới thanh toán được. Vì vậy, BV, các cơ sở KCB phải có trách nhiệm vừa đảm bảo mức giá vừa đảm bảo chất lượng và quyền lợi cho người bệnh BHYT”, ông Phúc nhấn mạnh.

Về băn khoăn người bệnh sẽ được hoàn trả chi phí thuốc, VTYT trong trường hợp này như thế nào?, ông Phúc cho biết: Thực tế, trong quy định về thanh toán trực tiếp hiện nay đối với người bệnh không có việc thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, VTYT. Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ năm 2018 cũng quy định rõ cơ sở KCB có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người tham gia KCB BHYT. Do đó, phải có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để thanh toán trực tiếp. Tuy nhiên, ông Phúc cũng chia sẻ: Luật BHYT cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp. “Vậy đây có phải là trường hợp đặc biệt không, chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ Y để để triển khai việc thanh toán này”, ông Phúc nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) cho biết: Vào cuối năm 2019, BHXH Việt Nam từng có văn bản xin ý kiến Bộ Y tế về việc có được thanh toán trực tiếp thuốc, vật tư y tế khi người bệnh phải tự mua do BV không cung ứng được hay không. Tuy nhiên, đến tháng 9/2021, Bộ Y tế mới có văn bản trả lời, trong đó dẫn các quy định pháp luật và kết luận “không có cơ sở thanh toán trực tiếp cho người bệnh”. Nghị định, thông tư đều không có cơ sở thanh toán cho trường hợp này.

Tuy vậy, ông Dương Tuấn Đức cũng đề cập đến một phương án khác trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP có thể áp dụng trường hợp này. Đó là quy định trường hợp cơ sở KCB để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế thì cơ sở đó có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh. “Vì vậy, Nhà nước luôn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nên cơ sở KCB có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, VTYT cho người bệnh. Nếu không đảm bảo được thì cơ sở đó phải hoàn trả, người bệnh mua bao nhiêu để điều trị thì phải có trách nhiệm hoàn trả cho họ…”, ông Đức nhận định.

Về lo ngại "cơ sở y tế có thể kê khai thuốc, VTYT mà người bệnh phải tự mua vào chi phí đề nghị cơ quan BHXH thanh toán", ông Dương Tuấn Đức chia sẻ: Đây là vấn đề thuộc về nghiệp vụ của cơ quan giám định chi phí KCB BHYT. Theo đó, trước khi thanh toán chi phí, cơ quan BHYT đều yêu cầu cơ sở y tế cung cấp chủng loại, số lượng thuốc, VTYT đã mua sắm, đấu thầu thời điểm nào, và theo dõi quá trình sử dụng của BV. Do đó, nếu trường hợp thuốc và VTYT đã hết mà BV vẫn đưa vào hồ sơ đề nghị thanh toán thì phần mềm Giám định BHYT của BHXH Việt Nam đã được thiết lập các chức năng và quy tắc giám định sẽ tự động trừ đi chi phí đề nghị thanh toán “chi phí không có thực” này...

Nhấn mạnh lại rằng một trong những lý do tình trạng thiếu thuốc, VTYT diễn ra cục bộ, là việc đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế cả tại Trung ương và địa phương khá chậm, ông Đức cho biết: “Chúng tôi đã thống kê có những mặt hàng dù đã hết nhưng chậm trên 3 tháng, có những tỉnh phải đấu thầu tập trung ở Sở Y tế như Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội thì tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến”. Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6/2022 thì chưa có sự biến động quá lớn, mức độ chênh lệch khoảng dưới 10.000 đồng một đơn thuốc (chiếm khoảng 5%).

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam- Đào Việt Ánh cũng nhấn mạnh: Quan điểm nhất quán của BHXH Việt Nam là luôn hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT luôn được BHXH Việt Nam kiến nghị, đề xuất Bộ Y tế- cơ quan quản lý nhà nước về BHYT tháo gỡ kịp thời. Việc thiếu thuốc, VTYT là vấn đề chúng ta “xử lý chuyện đã xảy ra rồi”, nên sẽ phải chờ thực hiện theo ý kiến của Bộ Y tế...

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn