Trả giá vì quá chủ quan

01/07/2022 07:35 AM


Nhà thuộc vùng bãi ngang ven biển, được Nhà nước hỗ trợ gần 10 năm nhưng chưa bao giờ có bệnh để dùng đến thẻ BHYT nên năm 2022, khi không còn được hỗ trợ, anh vẫn đinh ninh rằng: Không sao. Mình có bệnh bao giờ đâu mà mua. Vậy mà, thật không may, tháng 4/2022 vừa rồi, trong một chuyển đi biển, anh rủi ro bị tai nạn khá nặng. Tiền điều trị mỗi ngày hơn 10 triệu đồng và kéo dài gần cả tháng. Gia đình khánh kiệt, nguồn vay mượn cũng đã cạn…

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Những câu chuyện thật

 Cả tháng nay, gia đình anh Nguyễn Văn T (thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương, Tx Sông Cầu) đã phải chạy đôn, chạy đáo để vay mượn tiền chạy chữa thuốc men. Thật không may, trong chuyến đi biển, anh T không may bị tai nạn và phải nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Khổ thân, dù biết không còn được Nhà nước mua thẻ BHYT cấp miễn phí như trước nhưng anh chủ quan không tiếp tục tự mua để phòng thân như nhiều gia đình khác, nên giờ đây toàn bộ số tiền viện phí vô cùng tốn kém phải tự chi trả khiến gia đình anh gần như khánh kiệt và phải nhờ vào sự hỗ trợ đùm bọc của bà con họ hàng.

Mẹ anh, bà Nguyễn Thị L, buồn rầu chia sẻ: “Bây giờ không biết tìm đâu ra tiền nữa. Đau xót hơn là bà con lối xóm lại trách cứ, dèm pha cho rằng mình tiếc tiền, tiếc của không chịu mua BHYT để giờ ra nông nổi này. Cũng còn may, giờ mình mua, 30 ngày sau thẻ mới có giá trị. Giá như nếu biết trước thế này, tôi đã tham gia BHYT cho cả gia đình rồi chứ đâu đến nỗi nghèo mà không mua nổi”. Bệnh tật thì không bao giờ báo trước. Câu nói “Giá như” của bà thật đáng tiếc khi điều đó chỉ trong tầm tay.

Trường hợp anh T ở Phường 5, Tp Tuy Hòa lại cay nghiệt hơn nhiều. Năm nào cũng tiết kiệm tham gia BHYT cho cả gia đình. Không hiểu sao, đầu năm nay lại đắn đo, kiểu là “từ từ chứ vội gì. Mấy năm nay có bệnh đâu mà”. Thế rồi, rủi ro ập đến bất ngờ, chi phí quá lớn. Anh chỉ biết tự trách mình. Một chút chủ quan lại mang vạ khi chi phí chi trả cho bệnh viện quá lớn. Thiệt đơn thiệt kép.

Thành phố Tuy hòa hiện có gần 90% dân số tham gia BHYT. Có nghĩa vẫn còn 10% dân số chưa tham gia. Rủi ro bệnh tật, tai nạn…thì không chọn số ít hay số nhiều. Ông bà ta nói “Trời kêu ai nấy dạ” là vì vậy. Chuyện về anh H ở Phường 9, Tp Tuy Hòa thật sự làm nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Gia đình không giàu nhưng cũng thuộc nhóm khá so với nhiều bà con xóm giềng. Vậy mà ngay khi xảy ra tai nạn nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định gần một tháng nay, hàng xóm mới vỡ lẽ, anh H chưa bao giờ có BHYT.

Một người hàng xóm mách nhỏ với tôi: “Nghe đâu chữa trị hơn 100 triệu rồi. Mới về đó. Nằm gần 2 tháng. Bố nó đâu dám kể lể hay tâm sự với ai, vì sợ người ta cười, thời đại này mà không có BHYT. Giờ chắc là chạy đôn chạy đáo mua BHYT chứ còn gì. Cả cái làng này hầu như ai cũng đã có BHYT hết rồi, trừ nó”. Bà nói có vẻ thật quá nhưng nhiều người bảo, bà ấy nói quá đúng. Dân gian bảo, một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ! Quá đúng trong những trường hợp này.

 Quá toan tính dễ bị thiệt

Con người là vốn quý nhất của xã hội, mà sức khỏe lại là vốn quý nhất của con người. Để có sức khỏe, để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh mà BHYT toàn dân qua thực tiễn đã chứng minh là giải pháp phù hợp, nhân văn, hiệu quả nhất.

Bao năm qua, Nhà nước đã cấp miền phí thẻ BHYT cho hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách xã hội; Trung ương và tỉnh hỗ trợ 90% mức đóng cho người cận nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Yên; gia đình Nông-lâm-ngư-diêm có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên hỗ trợ 30% mức đóng và một số lượng lớn người thụ hưởng chính sách BHXH được cơ quan BHXH cấp thẻ như: hưu trí, thất nghiệp, người hưởng chế độ tan nạn lao động... Trên địa bàn tỉnh số thuộc đối tượng nêu trên chiếm gần 58% số tham gia. Ngoài đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo luật định, số còn lại thuộc hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 35% song mức đóng được tính giảm dần khi trong cùng một hộ có từ 2 người trở lên tham gia BHYT.

Toàn tỉnh hiện đạt độ bao phủ gần 90% dân số. Đầu năm 2022, nhiều người dân không còn tiếp tục được ngân sách mua thẻ BHYT do thay đổi về chính sách như: đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển…chưa tự đóng trở lại. Trong số này, rất nhiều gia đình gặp khó khăn sau 2 năm chống chọi dịch COVID-19 chưa có điều kiện tham gia, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, song thực tế rất nhiều người ở vùng biển dù điều kiện kinh tế tương đối vẫn còn tâm lý chủ quan, vẫn tự tin vào tiền túi của mình nên không tham gia BHYT.

Tất cả chúng ta cần hiểu rằng, BHYT sự là chia sẻ cộng đồng, hoạt động theo nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”. Người may mắn nhiều năm không tốn chi phí khám chữa bệnh thì chia sẻ cho người không may. Tham gia BHYT là để phòng thân, mấy ai đòi hưởng phần cho mình. Quá toan tính, dễ bị thiệt như những trường hợp trên, cái giá phải trả là vô cùng đắt đỏ.

Quang Phương