Đã đến lúc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ

30/03/2022 09:00 AM


Hơn 2 năm qua, tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh khiến đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế dần phục hồi thì cần xem xét để tăng lương cho NLĐ vào năm 2023 và việc này không nên trì hoãn thêm. 2023- Thời điểm thích hợp nhất

Để có cơ sở cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, từ tháng 4/2022, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại các doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước. Dự kiến việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 DN thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ, với quy mô lao động từ dưới 100- 300 lao động với các nội dung như quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, chi phí tuyển dụng đào tạo, quỹ công đoàn…

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, thực tế đây là chương trình làm việc hằng năm của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cụ thể trong Quý I, Hội đồng sẽ xây dựng kế hoạch để Quý II thực hiện khảo sát, trên cơ sở đó đến Quý III chuẩn bị phương án và Quý IV họp tham mưu để trình Chính phủ mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm qua tiền lương tối thiểu vùng chưa tăng nên việc khảo sát được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để xem xét tăng lương vào năm sau. “Việc khảo sát là cần thiết để nắm được tình hình của chính sách ban hành trên thực tế được thực hiện ra sao, bởi lẽ 2 năm qua do yếu tố khách quan của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí phá sản, NLĐ mất việc làm trong bối cảnh chưa được tăng lương. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh có xu hướng khống chế được thì phải chuẩn bị phương án để năm 2023 tăng lương, đây là việc phù hợp”- ông Huân lý giải.

Tại phiên họp thứ nhất của của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chiều ngày 28/3, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, NLĐ cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá, việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và NLĐ.

Trong khi đó, đại diện VCCI chia sẻ với NLĐ khi mong muốn tăng lương là nguyện vọng chính đáng. Song hiện nay DN đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng.

Trước những lo ngại về việc tăng lương sẽ là bài toán đau đầu với nhiều doanh nghiệp, ông Huân cũng cho rằng hiện nay nhu cầu của NLĐ tăng, giá cả biến động làm cho tiền lương thực tế giảm đi, việc tăng lương là hết sức cần thiết. Mặt khác, việc chưa được tăng lương khiến đời sống NLĐ khó khăn sẽ dẫn đến những bất ổn trong quan hê lao động. Thậm chí tranh chấp lao động xảy ra, điều này thể hiện rõ qua nhiều cuộc đình công, ngừng việc diễn ra hồi đầu năm 2022 mà nội dung chủ yếu đều liên quan đến tiền lương và các chế độ phúc lợi khác...

Về nguồn lực để tăng lương, ông Huân cho rằng, doanh nghiệp cần thúc đẩy tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, không nên để NLĐ khó khăn quá, nhưng việc tăng sẽ phải hài hòa. “Tôi nghĩ đến năm 2023 tăng lương là phù hợp. Kinh tế đang dần hồi phục sau dịch, nếu còn tiếp tục không tăng lương có thể không giữ được nguồn lao động”.

Tuy nhiên, do dịch bệnh tiền lương chưa được điều chỉnh, trong khi doanh nghiệp đều muốn giữ mức lương ổn định, nhưng các yếu tố khác luôn biến động, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán nhiều biện pháp để có nguồn tăng lương. “DN lúc nào cũng nói mình ở thế khó để không tăng lương, nhưng hiện nay giá cả, nhu cầu đều tăng, mức tiền công trên thị trường cũng biến động, nhất là trong giai đoạn cung- cầu lao động đang hồi phục, dẫn đến tình trạng thiếu lao động cũng đẩy giá nhân công lên cao hơn thì làm sao doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức tiền lương được. Đây là bài toán DN phải tính, chỉ có điều tăng ở mức độ nào để chấp nhận được”- ông Huân nhấn mạnh.

Không ảnh hưởng nhiều đến DN

Trong khi đó, TS. Nguyễn Việt Cường- Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng 0,83% tiền lương hàng tháng, song tác động của tăng lương tối thiểu đối với tiền lương của lao động nói chung không đáng kể. Mức lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến tiền lương theo giờ tăng 0,32%, điều này hàm ý rằng năng suất lao động tăng lên do tăng lương tối thiểu. Trong giai đoạn 2012- 2017, lương tối thiểu tăng rất nhanh nhưng những năm gần đây nếu so với mức lương trung bình, tốc độ tăng lương tối thiểu bắt đầu giảm, thậm chí không còn theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội nói chung. “Đại dịch Covid-19 xảy ra càng làm cho tiền lương thực tế của NLĐ cũng như tỷ lệ NLĐ có mức lương dưới mức tối thiểu tăng lên, việc tăng lương trong năm tới sẽ là một thách thức lớn”- ông Cường nhận định.

Không phủ nhận việc tăng lương sẽ làm tăng chi phí của DN nói chung, nên DN luôn “kêu” là đúng, song theo ông Cường tác động nhìn chung là không nhiều, chủ yếu là ở nhóm DN lớn, DN FDI, hay sử dụng nhiều lao động. Bởi lẽ, việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức đóng BHXH, DN vì thế muốn giữ nguyên mức lương nhằm giảm thiểu nhiều nhất việc tăng mức đóng BHXH. Nhưng ở phía NLĐ với mức lương tối thiểu sau thời gian dài chưa được điều chỉnh đang áp dụng, hiện được cho là quá thấp trước sức ép tăng giá, cần thiết tăng để bù đắp trượt giá và tái sản xuất sức lao động. “Tôi cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến DN, không đến mức DN phải chuyển đổi sản xuất, cắt giảm lao động như chúng ta lo ngại, ngay cả khi ở giai đoạn 2012- 2017 khi tiền lương tối thiểu tăng ở tốc độ cao thì cũng không xảy ra vấn đề này”- ông Cường lý giải.

Cũng theo ông Cường, để hỗ trợ DN, thời gian qua Chính phủ đã không điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nhưng hiện nay việc tăng này là cần thiết. “Không thể hỗ trợ doanh nghiệp chỉ bằng cách giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn có thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn với chính sách ưu đãi hơn, giảm thuế, giãn thuế đất, thuế thu nhập DN…, phần nào giúp họ vượt qua tác động của đại dịch thay vì không tăng lương tối thiểu vùng. Chúng ta không thể trì hoãn tăng lương tối thiểu thêm nữa”- TS.Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/