Người dân ngày càng tin tưởng chính sách BHXH, BHYT

14/02/2022 11:38 AM


Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn thể CCVC, năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. ĐBQH Trịnh Xuân An- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH về vấn đề này.

* PV: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam, đặc biệt là BHXH tự nguyện, đã đạt kết quả đáng khích lệ. Ông nhận định như thế nào về kết quả này?

- ĐBQH Trịnh Xuân An:           

Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và đời sống người dân. Đồng thời, dịch bệnh cũng tác động trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ BHXH. Tuy nhiên, bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành các giải pháp về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với từng địa bàn, khu vực… nên số người tham gia vào hệ thống BHXH đều tăng so với năm 2020 và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu được Chính phủ, Quốc hội đề ra.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH trong cả nước đạt trên 16,5 triệu người (tăng 2,2% so với năm 2020); đặc biệt số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,45 triệu người (tăng gần 29% so với năm 2020), đạt gần 3% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Như vậy, nếu so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28/NQ-TW, thì toàn ngành BHXH Việt Nam đã vượt gần 2% chỉ tiêu của Nghị quyết. Đáng chú ý, với sự linh hoạt, nhạy bén và trách nhiệm, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ trực quan đến trực tuyến, từ lưu động đến truyền thanh trên hệ thống phát thanh của địa phương… để tuyên truyền về lợi ích, sự cần thiết và tầm quan trọng của chính sách BHYT đến các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, dù dịch bệnh cũng như ảnh hưởng của các chính sách liên quan, nhưng số người tham gia BHYT đã đạt trên 91% dân số- đây là chỉ tiêu quan trọng được Quốc hội cũng như các ĐBQH đánh giá cao.

* Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã đánh giá việc thực hiện chính sách, quản lý và sử dụng quỹ BHXH của ngành BHXH Việt Nam đảm bảo đúng quy định và có sự tăng trưởng. Là người trực tiếp tham gia thảo luận tại nghị trường, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Chúng ta phải khẳng định, quỹ BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, được Nhà nước quản lý thông qua hoạt động của HĐQL BHXH Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng. Hằng năm, quỹ BHXH đều được giám sát, công khai trước Quốc hội và luôn đảm bảo minh bạch. Quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở sự đóng góp của Nhà nước, chủ SDLĐ và người tham gia; được Nhà nước quản lý bảo hộ, đảm bảo tăng trưởng và qua giám sát người dân ngày càng tin tưởng hơn về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Qua theo dõi cho thấy, quỹ BHXH đang được quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo đảm được giá trị thông qua đầu tư tăng trưởng. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp được bảo đảm, kịp thời, hỗ trợ người dân, NLĐ vượt qua khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh… Song, để quỹ BHXH được bảo toàn và cân đối trong dài hạn, theo tôi cần tập trung một số vấn đề như:

Một là, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về BHXH, tăng cường các định chế pháp luật; nghiên cứu, đề xuất một số điều khoản hợp lý để thúc đẩy DN và NLĐ tham gia BHXH, BHYT; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm túc pháp luật BHXH.

Hai là, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển người tham gia BHXH, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm NLĐ có quan hệ lao động nhưng không có HĐLĐ được tham gia BHXH bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, nhất là lực lượng lao động phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần.

Giải quyết chế độ BHXH tại BHXH quận 12 (TP.HCM)

Ba là, các bộ, ngành liên quan cần đưa ra các giải pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHYT tồn đọng đối với một số đơn vị ngừng hoạt động kéo dài hoặc chờ phá sản, giải thể, chủ DN bỏ trốn... để không ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Bốn là, ngành BHXH Việt Nam cần xây dựng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm, từng khu vực để phát triển người tham gia. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; thu hồi nợ và các khoản thanh toán chế độ BHXH, BHYT không đúng quy định…

* Dự báo năm 2022, kinh tế-xã hội đất nước sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam không thể trì hoãn. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, BHXH Việt Nam cần phải thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các DN đang dần hồi phục và phát triển, nhưng công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành BHXH Việt Nam cần phải kiên định các chương trình, mục tiêu đã đề ra; dự báo trước tình hình, xây dựng các chiến lược để phát triển thích ứng với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu, xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả, tránh bị động, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố đặc thù của từng địa phương, phân loại từng nhóm DN, người dân, NLĐ… Từ đó, đưa ra các biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng nhóm đơn vị, người dân tham gia BHXH, BHYT một cách thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn để xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành. Trong đó, tập trung thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế-xã hội, thị trường lao động để có giải pháp truyền thông, khai thác, vận động NLĐ tham gia một cách phù hợp. Xây dựng kế hoạch theo lộ trình, với các mục tiêu cụ thể, theo từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tương ứng với từng khu vực, vùng miền, địa phương, chi tiết tới từng địa bàn huyện, xã. Trên cơ sở đó, xác định các nhóm dễ tiếp cận làm trước, nhóm khó thì sẽ tiếp cận dần dần để đạt được mục tiêu và kết quả cao nhất. Song song với đó, cần tăng cường quản lý chặt chẽ công tác chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/